Trên thế giới, nhiều nước cũng sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa như Việt Nam. Ông Sơn ví dụ, Ấn Độ có 7 hệ thống sách giáo khoa, Nam Phi có 16, Trung Quốc có 5 bộ sách giáo khoa cho các môn Khoa học tự nhiên. Còn tại Mỹ, mỗi tiểu bang chọn sách giáo khoa riêng.

Việt Nam hiện có ba bộ sách giáo khoa lớn và một số cuốn sách nhỏ lẻ. Ông Sơn đánh giá điều này tạo ra sự thay đổi lớn, cho phép giáo viên, nhà trường chủ động chọn tư liệu, sáng tạo trong giảng dạy nhưng vẫn hướng đến chuẩn chung theo chương trình.

Trong khi đó, để cạnh tranh, các đơn vị phải phát huy sáng tạo để bộ sách của mình tốt nhất, hấp dẫn nhất nên chất lượng sách giáo khoa cũng tốt hơn. Đến nay, hơn 1.000 nhà giáo, nhà khoa học tham gia biên soạn sách giáo khoa.

Triển khai một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa cũng tạo điều kiện thay đổi phương pháp dạy và học, hoạt động của nhà giáo. Ông Sơn phân tích với chương trình cũ, giáo viên là người truyền thụ, kiểm tra, đánh giá kiến thức là chính. Còn ở chương trình mới, giáo viên là người tổ chức, định hướng, hỗ trợ. Vai trò giáo viên thay đổi theo hướng tăng cường sáng tạo, chủ động.

Người đứng đầu ngành Giáo dục cho rằng khi chương trình đã đi nửa chặng đường, việc thay đổi, quay lại thực hiện một bộ sách giáo khoa đồng nghĩa "đi ngược lại tinh thần, triết lý mở, tự do, chủ động, sáng tạo mà chương trình mới đang đặt ra".

Ông ví việc đổi mới lần này là cuộc cách mạng trong giáo dục. "Cách mạng 100% vui vẻ, tất cả đều thấy nhẹ nhàng, không ai lăn tăn gì thì không phải là cách mạng", ông Sơn nói.