63/65 kiến nghị được xem xét giải quyết
Sáng
1/6, Thành ủy - Hội đồng Nhân dân (HĐND) - Ủy ban Nhân dân (UBND) - Ủy
ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức chương trình Lãnh đạo thành
phố gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi với chủ đề "Thiếu nhi thành phố - Công
dân toàn cầu".
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch Hội đồng Nhân
dân TPHCM (HĐND) Nguyễn Thị Lệ chia sẻ những vấn đề mà thiếu nhi thành
phố quan tâm hiện nay.
Bà cho biết, để nhận định, đánh giá về
những mong muốn, nguyện vọng và các vấn đề mà thiếu nhi thành phố quan
tâm, ngoài 65 ý kiến từ các thiếu nhi dự buổi gặp gỡ, ban tổ chức chương
trình đã thực hiện khảo sát trực tuyến với hơn 14.400 thiếu nhi.
Kết
quả khảo sát cho thấy, một trong những lo lắng nhất của trẻ em hiện nay
là vấn đề học tập, điểm số, kết quả học tập, thời gian học quá nhiều,
không đủ thời gian để học bài, vấn đề bị bạn bè bắt nạt, tẩy chay...
Ngoài ra, vấn đề xã hội nổi bật mà đa số thiếu nhi đều quan tâm liên quan tới bảo vệ môi trường, giáo dục, an toàn giao thông và văn hóa.
Các
vấn đề nổi trội khác như phần lớn thiếu nhi thành phố cho rằng hoạt
động vui chơi, giải trí hiện nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các
cháu, tuy nhiên, chỉ có một số hoạt động đáp ứng tốt.
Bên cạnh đó,
các không gian, trò chơi sáng tạo, khu vui chơi ngoài trời, các thiết
chế văn hóa chưa được thành phố chú trọng, đầu tư trong thời gian vừa
qua.
"Đại đa số các cháu đều mong muốn cô chú lãnh đạo thành phố quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực giáo dục và phát triển năng khiếu, chăm sóc sức khỏe và xây dựng đời sống gia đình", bà Lệ cho hay.
Dẫn
lời căn dặn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Lệ nhắc lại:
"Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Các bạn hãy cố gắng học tập, nghiên
cứu, trao đổi kinh nghiệm, để tiến bộ mãi, nhất là phải làm kiểu mẫu
trong mọi việc cho các em bắt chước. Như vậy, các bạn sẽ thành công".
Thấm
nhuần lời dạy của Bác, lãnh đạo thành phố vui mừng được gặp gỡ các em
thiếu nhi để cùng lắng nghe, trao đổi những vấn đề mà thiếu nhi quan
tâm. Đó đều là những góc nhìn để giúp lãnh đạo thành phố hiểu hơn những
suy nghĩ, tình cảm, ước mơ của thiếu nhi, từ đó có thêm nhiều chủ
trương, chính sách, giải pháp chăm sóc thiếu nhi nhiều hơn và tốt hơn
nữa.
Nhiều năm qua, từ những ý kiến xuất phát từ các cháu, thực
tế, đã có nhiều đề xuất, ý tưởng được hiện thực hóa, nhiều vấn đề nhỏ
nhưng được kịp thời khắc phục, tạo điều kiện, môi trường để thiếu nhi
được học tập, vui chơi, sống hạnh phúc hơn.
Trong chương trình, 6
nhóm vấn đề được thảo luận sôi nổi. Theo bà Lệ, đến nay đã có 63/65
kiến nghị, đề xuất của thiếu nhi được tổng hợp trước đó đã được lãnh đạo
thành phố xem xét giải quyết. Tại báo cáo 125 của UBND TPHCM ngày 7/5
đã có 2 vấn đề lớn được tổ chức thực hiện theo trình tự, quy định, đó
là: Dự án xây dựng khu thiếu nhi của thành phố và việc đầu tư, sửa chữa,
nâng cấp cơ sở vật chất các nhà thiếu nhi quận Phú Nhuận, quận 8, quận
5.
Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc khó khăn, điển hình như Nhà
thiếu nhi quận 1 đang hoạt động tạm thời và chưa có phương án xây dựng
cụ thể.
Tại chương trình, nhiều ý kiến thẳng thắn cũng được các
đại biểu trẻ em trình bày. Các em thiếu nhi cũng được "sắm vai" đại biểu
nhân dân, lãnh đạo các sở, ban, ngành để thực hiện Phiên họp giả định
kỳ họp HĐND TPHCM để hiểu rõ hơn công việc của các lãnh đạo thành phố,
thảo luận các vấn đề quan tâm.
Tin tưởng vào thế hệ học sinh thành phố
Lắng
nghe ý kiến từ thiếu nhi thành phố, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi
gửi nhiều lời khen tới các em khi phát biểu thẳng thắn các vấn đề mình
quan tâm, đề xuất giải pháp để khắc phục.
Ông cũng nhận định ở
phiên họp HĐND giả định, các em điều hành rất tốt giúp ông có niềm tin
đây là thế hệ kế thừa rất tốt, có thể tiếp tục rèn luyện, cố gắng để sau
này tiếp nối làm lãnh đạo tiếp tục xây dựng, phát triển thành phố.
Ông
Mãi đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng Hội đồng Đội thành
phố, các sở ngành liên quan cùng họp lại, xác định các vấn đề có thể
giải quyết từ đây đến 1/6 năm sau. Ông giao nhiệm vụ cho các đơn vị cần
chuyển hóa kết quả làm việc hôm nay thành những hành động cụ thể, để các
em hạnh phúc hơn, thành phố phát triển hơn.
Từ
ý kiến của các em với tư cách của người học, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn
mạnh tới vấn đề dạy và học tích hợp. Ông đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT
TPHCM Nguyễn Văn Hiếu chỉ đạo, đánh giá, tập huấn lại để làm sao thầy cô
dạy học cho tốt. Sở cần có biện pháp để làm sao cho thầy cô, ban giám
hiệu đều phải thông suốt và có phương pháp giáo dục tốt.
Vấn đề khác là giáo dục STEAM (là khái niệm giáo dục liên ngành giữa 5 lĩnh vực bao gồm khoa học, công nghệ, toán học, kỹ thuật và nghệ thuật - PV)
Chủ tịch Mãi đề nghị Sở Đầu tư làm việc với Sở GD&ĐT để có giải
pháp phát triển STEAM, triển khai rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho
hoạt động giáo dục này.
Ngoài ra, ông cũng nêu về xây dựng trường
học hạnh phúc gồm rất nhiều nội dung nhưng tập trung 3 vấn đề xây dựng
trường lớp xanh, sạch, nhà vệ sinh sạch sẽ; an toàn học đường, bạo lực
học đường; an toàn giao thông để học sinh hạnh phúc hơn, giáo dục tốt
đẹp hơn. Bạo lực học đường là vấn đề khó giải quyết triệt để nhưng cũng
cần kiên trì, ít nhất trong khuôn viên học đường phải đảm bảo an toàn
cho học sinh.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đặt vấn đề
tại sao học ngoại ngữ 12 năm ở trường phổ thông mà không bằng 3 năm học
ở trung tâm lưu loát. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh tới vấn đề chăm sóc
sức khỏe học đường, thuốc lá điện tử, giáo dục lịch sử, văn hóa, thư
viện, không gian mạng cho thiếu nhi...
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng
chia sẻ với các em về quyết tâm của thành phố trong thực hiện chủ trương
xây dựng 4.500 phòng học. Đây là một nhiệm vụ rất cấp thiết, đáp ứng
yêu cầu giáo dục, đào tạo của thành phố, trong đó, nhấn mạnh tới xây
dựng khu vực thể thao cho học sinh.
"Cùng
với việc góp ý với thành phố, nhà trường, thầy cô, bản thân các em cũng
tham gia đóng góp vào các công việc, ví như giữ vệ sinh môi trường, an
toàn giao thông... Từ những tấm gương của mình, mình lan tỏa tới bạn bè,
người thân, cùng xây dựng thành phố tốt hơn. Tôi rất cảm ơn và tin
tưởng các em", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ.