Phòng "Kết nối công
nghệ thông tin" của Đồn biên phòng Mỹ Lý (Bộ đội Biên phòng Nghệ An)
chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2022, tại bản Huồi Cáng 1, xã Bắc
Lý, Kỳ Sơn, Nghệ An. Phòng được bố trí 10 bộ máy vi tính để bàn có kết
nối Internet.
"Đây là tâm huyết của cán bộ, chiến sỹ thuộc Đồn với
mong muốn giúp các em nhỏ có cơ hội tiếp cận, thực hành nhiều hơn về
tin học cũng như giúp đội ngũ cán bộ thôn bản tiếp cận, thuận lợi hơn
trong việc tra cứu thông tin, văn bản chỉ đạo của các cấp phục vụ cho
công việc", Thiếu tá Phan Đức Tâm - Chính trị viên Phó Đồn biên phòng Mỹ
Lý thông tin.
Để
phòng kết nối công nghệ có thể đi vào hoạt động, cán bộ, chiến sỹ của
Đồn đã trích tiền lương, vận động các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài để mua
sắm, lắp đặt trang thiết bị, máy móc, bàn ghế. Một gian phòng để bảo
quản và tổ chức các buổi dạy cũng được chính những người lính biên phòng
trộn từng xô vữa, xây từng viên gạch.
Có máy tính, có phòng học,
cán bộ Đồn lại mày mò chuẩn bị những bài giảng cho lớp học đặc biệt này.
Đặc biệt bởi lẽ máy tính không quá phổ biến ở hai xã biên giới Bắc Lý
và Mỹ Lý - nơi Đồn đóng chân, trong khi đó, trình độ người dân vẫn là
một rào cản lớn trong việc tiếp cận môn học này.
Mặt khác, tại các
trường học trên địa bàn, dù học sinh đã được làm quen với bộ môn tin
học nhưng chưa có nhiều cơ hội thực hành do máy móc còn thiếu.
Một
ngày cuối tuần đầu năm 2022, phòng kết nối công nghệ thông tin Đồn biên
phòng Mỹ Lý chính thức mở cửa. Những "khách hàng" đầu tiên đến kết nối
là học sinh các cấp học tại xã Bắc Lý - nơi xây dựng lớp. Từ chỗ chỉ
phục vụ tra cứu thông tin, lớp học "xóa mù tin học" đã được hình thành.
Các cán bộ, chiến sỹ của Đồn trở thành giáo viên phụ đạo tin học cho học
sinh và bà con dân bản.
"Thời gian đầu đến lớp các cháu còn e
ngại lắm. Việc thao tác trên bàn phím hay mở các trình duyệt cũng lóng
ngóng. Chúng tôi phải hướng dẫn, gần như là cầm tay chỉ việc, giúp các
cháu làm quen. Các thuật ngữ chuyên ngành cũng phải diễn đạt bằng từ
thích hợp để các em dễ hiểu, dễ nhớ, từ đó tăng khả năng thao tác, thực
hành trên máy.
Sau
thời gian dài kiên trì của cả "thầy" và "trò", các cháu đã tự soạn thảo
được văn bản đúng quy chuẩn, sử dụng thành thạo máy vi tính để tra cứu
thông tin phục vụ cho việc học tập của mình. Một số em sáng dạ, đã mày
mò thực hành được một số kỹ năng khó hơn", Đại úy Hồ Trọng Thiết - Đội
trưởng vận động quần chúng, Đồn biên phòng Mỹ Lý cho hay.
Sau thời
gian tham gia lớp học, em Cụt Thị Kiều (Trường tiểu học Bắc Lý 1, xã
Bắc Lý, Kỳ Sơn) đã có thể tự khởi động máy, mở các ứng dụng, gõ một văn
bản dài dù đôi chỗ còn thiếu hoặc chưa đúng.
"Đi học ở đây rất
vui, các chú bày dễ hiểu lắm. Tuần nào cháu cũng mong đến thứ 7 để lên
đồn học tin học. Có máy tính cháu còn tham gia thi Trạng nguyên tiếng
Việt, giải toán qua mạng nữa nhưng điểm thi chưa cao lắm", em Kiều khoe.
Để thu hút và cổ vũ các em tới lớp, những thầy giáo quân hàm xanh chuẩn bị bánh kẹo hay những món quà nho nhỏ.
Điều đặc biệt, tham gia lớp tin học còn có phụ huynh
học sinh. Anh Cụt Văn Cầm (37 tuổi, trú bản Huồi Cáng 1, xã Bắc Lý),
ban đầu chỉ đưa con đến "lớp học máy tính" của bộ đội biên phòng nhưng
khi thấy bọn trẻ con gõ bàn phím nhoay nhoáy, đọc báo, đọc sách trên màn
hình, anh cũng muốn học. Được các "thầy" động viên, người đàn ông dân
tộc Khơ Mú này yên tâm ngồi vào ghế.
Những ngón tay của vị trưởng
bản chỉ quen cầm cuốc, cầm dao đi rẫy cứ lóng ngóng, cứng đơ trên bàn
phím. Hóa ra, học tin học không hề đơn giản với anh. Nhờ sự kiên trì của
"thầy", cố gắng của bản thân, anh Cầm vui mừng khi gõ được những dòng
chữ đầu tiên trên máy tính.
"Cái
máy tính có nhiều thứ lắm. Trước đây văn bản, công văn của xã phải đánh
bằng giấy gửi về, mình không ở nhà là có khi thất lạc đấy. Giờ chỉ cần
bật máy tính lên, vào hòm thư cán bộ biên phòng lập cho là thấy hết,
không lo bị lạc nữa. Con gà, con lợn ốm, cây lúa bị sâu bệnh... lên máy
tính hỏi "ông gu gồ" cũng ra hết đấy", anh Cầm chia sẻ.
Lớp học
được mở vào Thứ 7 và Chủ nhật, tuy nhiên không phải bao giờ cũng đông đủ
bởi các em phải lên nương, lên rẫy phụ bố mẹ. Hoặc trùng vào lịch tuần
tra hay vụ việc đột xuất, các thầy phải tạm dừng lớp để thực hiện nhiệm
vụ chính, buổi học có thể được dời vào thời điểm thích hợp để bù.
Trung
tá Hoàng Thế Tài - Chính trị viên Đồn biên phòng Mỹ Lý - cho biết:
"Việc triển khai và duy trì hoạt động của lớp còn khó khăn nhưng cán bộ,
chiến sỹ của Đồn ngoài nhiệm vụ chính đã tranh thủ tự bồi dưỡng kiến
thức, kỹ năng về tin học để hướng dẫn các em học sinh đạt hiệu quả hơn.
Gần
2 năm sau khi triển khai phòng "Kết nối công nghệ thông tin", cán bộ,
chiến sỹ của Đồn đã hướng dẫn thực hành cho hàng chục em học sinh vào
các ngày cuối tuần. Đồn cũng liên kết với các trường học trên địa bàn tổ
chức các em đến phòng máy thực hành thêm vào buổi tối".