Trong khi các đại học xét tuyển bằng ngày càng
nhiều hình thức, nhóm trường Y Dược chủ yếu xét điểm thi tốt nghiệp, bởi
cho rằng kỳ thi dễ tiếp cận học sinh cả nước, là thước đo chung.
Giáo sư Nguyễn Hữu Tú, hiệu trưởng trường Đại học Y Hà
Nội, hôm 2/3 cho biết dự kiến phương thức tuyển sinh năm nay tương tự
năm ngoái. Theo đó, trường xét tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc
tế, chiếm khoảng 25% chỉ tiêu. Phần còn lại xét bằng điểm thi tốt nghiệp
THPT. Nếu có điểm IELTS từ 6,5 trở lên hoặc tương đương, thí sinh được
cộng tối đa 3 điểm.
Tại trường Đại học Y Dược, Đại
học Huế, Giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy, hiệu trưởng, cho biết trường tuyển
100% sinh viên bằng điểm thi tốt nghiệp.
Một số
chưa công bố phương án tuyển sinh như trường Đại học Y Dược TP HCM, Y
khoa Phạm Ngọc Thạch, nhưng năm ngoái cũng dành gần như toàn bộ chỉ tiêu
xét tuyển từ điểm kỳ thi này. Trong khi đó, tính trên cả nước, tỷ lệ
thí sinh nhập đại học bằng điểm tốt nghiệp trung học phổ thông là 48%,
tiếp tục xu hướng giảm so với các năm trước đó, theo thống kê của Bộ
Giáo dục và Đào tạo.
Ông Tú và ông Huy cùng quan điểm cho rằng tốt nghiệp THPT là kỳ thi duy nhất được tổ chức thống nhất trong cả nước,
thí sinh mọi vùng miền đều có thể tiếp cận. Kết quả của kỳ thi này là
thước đo chung, các trường có thể tin tưởng, sử dụng để xét tuyển.
Một
nguyên nhân khác khiến các trường Y, Dược vẫn chủ yếu sử dụng điểm tốt
nghiệp THPT để tuyển sinh, theo ông Huy, đến từ đặc thù của nhóm ngành
đào tạo sức khỏe. Ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường này còn chịu
sự quản lý về chuyên môn của Bộ Y tế thông qua Hội đồng Chủ tịch hội
đồng Trường và Hiệu trưởng các trường khối ngành khoa học sức khỏe. Mọi
thay đổi cần được trao đổi và thống nhất từ Hội đồng này.
Từ năm 2020, tính chất "hai trong một" (dùng
đánh giá tốt nghiệp phổ thông và xét đầu vào đại học) đã chấm dứt, thay
vào đó, kết quả kỳ thi được dùng chủ yếu cho mục tiêu xét tốt nghiệp
THPT.
Đánh giá đề thi tốt nghiệp giảm khả năng phân
hóa thí sinh, nhiều trường đại học đã bổ sung nhiều phương thức khác
hoặc đưa ra tiêu chí phụ, cách tính điểm riêng. Mùa tuyển sinh năm ngoái
ghi nhận hơn 20 phương thức xét tuyển, nhiều trường cùng lúc áp dụng
5-7 phương thức, tăng tỷ lệ xét tuyển từ học bạ hay điểm thi đánh giá
năng lực, tư duy.
Tuy nhiên, nhóm trường Y, Dược
đứng ngoài xu thế này. Trước những ý kiến cho rằng dùng điểm thi tốt
nghiệp THPT làm giảm chất lượng sinh viên, các nhà giáo nhận định "không
đáng ngại".
Phó giáo sư Đinh Thị Diệu Hằng, hiệu
trưởng trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, nhìn nhận chất lượng sinh
viên còn phụ thuộc vào quá trình đào tạo tại trường, không nên chỉ đánh
giá bằng điểm đầu vào. Theo bà Hằng, có thể một số em trúng tuyển không
thuộc nhóm xuất sắc, nhưng một khi đã đạt mức điểm để đỗ Y Dược, năng
lực chắc chắn không kém. Việc phát triển tố chất, khả năng của các em
chính là nhiệm vụ của trường đại học.
"Kỳ vọng và
đặt tất cả trách nhiệm cho kỳ thi tốt nghiệp rất khó, thay vào đó cần tự
hỏi chúng ta có đảm bảo được chuẩn đầu ra cho các bạn hành nghề không",
bà Hằng nói.
Giáo sư Nguyễn Hữu Tú cho rằng do kỳ
thi diễn ra trên cả nước, kết quả sẽ cao chung hoặc thấp chung. Nếu điểm
thí sinh cao, trường cũng lấy điểm chuẩn tăng lên, "đến 29, 30 là bình
thường".
Thực tế, nhóm ngành Y, Dược luôn lấy điểm
chuẩn đại học cao nhất cả nước. Năm ngoái, ngành Y khoa của trường Đại
học Y Hà Nội lấy 28,85 điểm cho ba môn; Đại học Y Dược TP HCM 28,2;
trường Y Dược Đại học Quốc gia Hà Nội 28,15; Y khoa Phạm Ngọc Thạch
27,35.
Theo ông Tú, do Bộ đã đảm bảo tính khách
quan, chính xác và có thể phân loại thí sinh của kỳ thi tốt nghiệp THPT,
việc các trường vẫn sử dụng kết quả từ kỳ thi này để xét tuyển là điều
dễ hiểu.
Tuy nhiên, các thầy giáo cũng cho rằng theo xu hướng chung việc khối ngành sức khoẻ thay đổi cách tuyển sinh trong tương lai là điều chắc chắn.
Theo
hiệu trưởng Nguyễn Vũ Quốc Huy, điều này một phần xuất phát từ khuyến
cáo của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, rằng về lâu dài,
các ngành học có mức độ cạnh tranh cao có thể dùng điểm thi tốt nghiệp
THPT làm công cụ sơ tuyển, sau đó thêm các hình thức lựa chọn bổ sung.
Tại
nhiều quốc gia, ngành y khoa có một kỳ thi đánh giá đầu vào riêng,
chẳng hạn trường đại học đào tạo ngành y của Mỹ, Canada sử dụng kết quả
MCAT (Medical College Admission Test) để tuyển sinh. Anh cũng có hai kỳ
thi riêng để khảo sát năng lực thí sinh đăng ký với các ngành khoa học
sức khỏe, được một số trường đào tạo y khoa của Thái Lan, Singapore,
Malaysia sử dụng.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng
đào tạo và phù hợp với xu hướng thế giới, ông Huy cho rằng khối ngành
sức khoẻ của Việt Nam cũng cần có một kỳ thi riêng. Từ năm 2022, ý tưởng
về kỳ thi đầu vào cho khối ngành sức khoẻ đã được một số trường Y, Dược
lớn thảo luận và báo cáo Hội đồng Chủ tịch hội đồng Trường và Hiệu
trưởng khối ngành khoa học sức khỏe.
Hiệu trưởng
Đinh Thị Diệu Hằng cho biết Hội đồng muốn hướng đến một kỳ thi đánh giá
năng lực. Theo bà Hằng, thách thức nhất khi tổ chức là ở khâu đề thi, do
cần có ngân hàng câu hỏi lớn, được chuẩn hoá. Nếu đạt được sự đồng
thuận giữa các trường và cơ quan quản lý, kỳ thi riêng của các trường Y,
Dược sẽ bắt đầu từ năm 2025 - thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo
chương trình giáo dục phổ thông mới tốt nghiệp.
Tại
hội nghị tổng kết giáo dục đại học, tháng 9/2022, ông Huy cho biết khi
tuyển sinh riêng, khối trường sức khỏe cũng mong muốn sử dụng hệ thống
đăng ký xét tuyển, lọc ảo chung mà Bộ đang áp dụng.
"Kỳ
thi riêng có thể diễn ra hay không phụ thuộc vào sự sẵn sàng của các
trường. Thời gian chuẩn bị vẫn còn, nhưng tôi nghĩ nếu thực hiện được sẽ
tốt cho cả trường và người học, tạo sự thống nhất trong khối các trường
Y", hiệu trưởng Nguyễn Hữu Tú của Đại học Y Hà Nội nói