"Chẳng lẽ nghèo thì không có quyền học y?"
Câu
chuyện về một bà mẹ nghèo nhưng chi cả chục triệu đồng mỗi tháng cho
con học hành với ước mong con đỗ Đại học Y Hà Nội thu hút hàng trăm bình
luận trên một diễn đàn.
Theo lời người mẹ chia sẻ, chị đi làm có
lương 7 triệu đồng/tháng, chồng làm nghề tự do kiếm 17 triệu đồng/tháng,
tổng thu nhập 24 triệu đồng/tháng. Con lớn của chị đang học lớp 11, lực
học tốt, được chọn vào đội tuyển.
Để thực hiện ước mơ vào trường Y
của con, chị cho con học gia sư 4 môn, mỗi môn 2 buổi, học phí 250.000
đồng/buổi. Tổng tiền học thêm của con là 8 triệu đồng/tháng.
Học
phí chính khóa trường công của con chị là 1,2 triệu đồng/tháng. Hàng
ngày, chị cho con tiền ăn sáng, ăn xế, mỗi tháng tốn thêm 1,2 triệu
đồng. Trung bình, để nuôi con ăn học, chị tiêu 10,4 triệu đồng, hết
43,3% tổng thu nhập gia đình.
Người
mẹ này vẫn còn con nhỏ 1 tuổi rưỡi, mỗi tháng tốn kém trên dưới 5 triệu
đồng. Chị cho biết, tiền ăn của cả gia đình chỉ gói gọn trong 3 triệu
đồng. Số tiền này chị gửi mẹ chồng mua thức ăn, thiếu bao nhiêu bà bù
đắp cho con cháu.
Chia sẻ về cách chi tiêu của chị khiến diễn đàn
"dậy sóng". Đa số bình luận cho rằng chị "nghèo còn trèo cao", định
hướng cho con theo nghề chỉ dành cho người giàu.
Chi phí học gia
sư quá tốn kém, học phí trường y cao, thời gian học y kéo dài tới 6 năm,
mất gần 2 năm tiếp tục học lấy chứng chỉ hành nghề sau khi ra trường,
mất khoảng 10 năm để có thể tự lo được cho bản thân… là những lý do mà
nhiều người cho rằng "nghèo không nên học y".
Trước những chỉ
trích nặng lời như "mơ mộng hão huyền", "thiếu thực tế", người mẹ bất
lực than: "Chẳng lẽ nghèo thì không có quyền cho con học y?"
Sinh viên nghèo học y bằng cách nào?
Nguyễn
Thị Mai Anh đang học năm thứ hai khoa Răng - Hàm - Mặt, Đại học Y Hà
Nội. Là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ngay từ năm thứ nhất, Mai Anh
đã đi dạy gia sư và tìm kiếm học bổng để tự chi trả sinh hoạt phí.
Nữ
sinh này ở trọ cùng vài người bạn. Tiền thuê trọ, điện nước hết khoảng 1
triệu đồng/tháng. Tiền ăn uống, sinh hoạt, xe buýt đi lại hết 1,5 triệu
đồng/tháng.
Riêng học phí hơn 26 triệu đồng/năm, gia đình Mai Anh vay nợ để đóng cho con.
Kỳ nghỉ hè sắp tới, Mai Anh sẽ ở lại Hà Nội để làm thêm, quyết tâm kiếm được một khoản tiền sinh hoạt cho năm học tiếp theo.
Mai
Anh thường trực nỗi lo lắng không biết gia đình sẽ xoay sở thế nào khi
học phí quá cao. Tuy nhiên, cô không có ý định bỏ cuộc.
"Bạn
bè ở trường đa phần là con nhà có điều kiện. Chắc em thuộc trường hợp
khó khăn nhất. Khi vào trường học em mới biết chỉ con nhà có điều kiện
mới nên học y. Không ai nói cho em biết điều đó. Học y là lựa chọn của
cá nhân em.
Em biết hành trình còn gian nan. Ít nhất 6 năm nữa,
em mới có khả năng tự lo cho bản thân. Nhưng em sẽ theo đuổi đến cùng.
Khó khăn nào cũng có cách để vượt qua", Mai Anh chia sẻ.
Theo đề án tuyển sinh
năm 2023, Đại học Y Hà Nội tăng học phí lên khoảng 1,3-3,5 lần so với
mức thu 15,7 triệu đồng/năm áp dụng với tất cả các ngành học từ năm học
2021-2022 trở về trước.
Cụ thể, các ngành Y khoa, Y học cổ truyền có mức học phí cao nhất là 55,2 triệu đồng/năm.
Các
ngành Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi
chức năng, Điều dưỡng chương trình tiên tiến tại trụ sở Hà Nội có học
phí 41,8 triệu đồng/năm.
Các ngành Răng - Hàm - Mặt, Y học dự phòng, Y khoa phân hiệu Thanh Hóa có mức học phí 27,6 triệu đồng/năm.
Các ngành Y tế công cộng, Dinh dưỡng, Điều dưỡng phân hiệu Thanh Hóa có học phí 20,9 triệu đồng/năm.
Một
bác sĩ xin giấu danh tính chia sẻ: "Ngành y không phải ngành dành cho
con nhà giàu. Nhưng để theo đuổi ngành này, các gia đình phải xác định
sẽ tốn kém, gian nan và lâu dài.
Đồng thời, nếu cha mẹ mang suy
nghĩ làm bác sĩ sẽ giàu có, sau này sẽ kiếm được nhiều tiền để bù đắp
những năm tháng khó khăn thì không nên cho con theo nghề y.
Có rất
nhiều bác sĩ xuất thân trong gia đình thiếu thốn kinh tế, bố mẹ làm
nông dân, nhưng họ vẫn vượt qua để trở thành bác sĩ giỏi, có tài, có
đức.
Trường Y cũng có nhiều học bổng dành cho sinh viên khó khăn.
Chỉ cần các em nỗ lực, đạt thành tích tốt trong học tập, các em sẽ nhận
được nhiều nguồn hỗ trợ.
Vì vậy, nếu cha mẹ và con có đủ quyết tâm, nghị lực thì hãy cứ kiên trì theo đuổi ước mơ".