Ngành học chỉ duy nhất một trường đào tạo đại học chính quy
Quản
lý hoạt động bay là ngành học hiếm tại Việt Nam. Đến nay, đây là ngành
học chỉ được đào tạo đại học chính quy duy nhất tại một cơ sở giáo dục là tại Học viện Hàng không Việt Nam.
TS
Phan Thanh Minh, phụ trách khoa Khai thác Hàng không, Học viện Hàng
không Việt Nam thông tin, ngành quản lý hoạt động bay đào tạo sinh viên
trở thành kỹ sư chuyên ngành quản lý hoạt động bay. Đây là ngành có tỷ
lệ người học sau khi tốt nghiệp làm việc đúng chuyên ngành rất cao, trên
95%.
Khi ra trường, sinh viên có thể đảm nhận vị trí kiểm soát
viên không lưu - trực tiếp tham gia công tác điều hành bay tại các cơ sở
điều hành bay gồm kiểm soát tại sân, trung tâm kiểm soát tiếp cận,
trung tâm kiểm soát đường dài.
Hoặc trở thành chuyên viên ban
không lưu, chuyên viên ban an toàn chất lượng và an ninh, chuyên viên
phòng không lưu tại các công ty quản lý bay khu vực, nhân viên thuộc
trung tâm quản lý luồng không lưu;
Nhân viên thông báo tin tức
hàng không, nhân viên thiết kế phương thức bay tại trung tâm thông báo
tin tức hàng không; nhân viên hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn tại Trung tâm
tìm kiếm cứu nạn thuộc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam.
Ngoài ra, sinh viên cũng có thể trở
thành chuyên viên phòng quản lý hoạt động bay hoặc phòng tiêu chuẩn an
toàn, phòng thanh tra của Cục Hàng không Việt Nam; nhân viên điều độ,
khai thác bay tại các Hãng hàng không và nhân viên, chuyên viên Cảng Vụ
Hàng không Việt Nam, các cảng hàng không.
Người này cũng thông
tin, mức thu nhập bình quân hiện tại của một kiểm soát viên không lưu
tại Việt Nam khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Còn thu nhập thực tế của
từng kiểm soát viên không lưu tùy thuộc vào thâm niên công tác và đóng
góp thực tế. Ngoài ra kiểm soát viên không lưu còn được hưởng các chế
độ, quyền lợi khác theo quy định.
Điểm chuẩn vào Học viện Hàng
không Việt Nam của ngành quản lý hoạt động bay theo điểm tốt nghiệp THPT
của năm 2022 là 23,3 điểm và năm 2023 là 24,2 điểm.
Từ năm 2024,
với 200 chỉ tiêu, trường áp dụng tất cả các phương thức xét tuyển cho
ngành quản lý hoạt động bay. Trong đó, phương thức xét điểm tốt nghiệp
THPT năm 2024, yêu cầu điểm sàn xét tuyển từ 20.
Nghề "gánh" trách nhiệm về sinh mạng và tài sản
TS Phan Thanh Minh cũng lưu ý, đây là ngành học cho các bạn thật sự đam mê và dám đương đầu với thử thách.
Để
theo đuổi công việc này, nhân viên cần có sự yêu thích và đam mê với
ngành hàng không, có khả năng định hướng không gian tốt, có trí nhớ tốt
và khả năng tư duy nhanh, có khả năng làm việc theo nhóm, có thể làm
việc theo ca kíp, có sức khỏe, thị lực và thính giác tốt; không sử dụng
chất kích thích có thể làm ảnh hưởng đến sự tỉnh táo…
"Đặc
biệt, với trách nhiệm công việc cao, một kiểm soát viên không lưu phải
có thích ứng với stress và bình tĩnh khi gặp áp lực, sự cố.
Bên
cạnh đó, nhân sự phải thành thạo tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu theo quy
định của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) để tương tác hiệu
quả với các phi công đến từ nhiều quốc gia khác nhau trong khi điều hành
bay", TS Phan Thanh Minh nhấn mạnh.
Trong lần chia sẻ hướng nghiệp
gần đây với sinh viên ngành quản lý hoạt động bay, đại diện Tổng Công
ty Quản lý bay Việt Nam chia sẻ, công việc kiểm soát viên không lưu chịu
trách nhiệm rất cao. Một huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu phát ra
liên quan đến hàng trăm sinh mạng, đến tài sản hàng ngàn tỷ đồng.
Ngoài
các yếu tố chuyên môn, kiểm soát viên không lưu phải luôn bình tĩnh,
cẩn thận, tinh nhanh, có khả năng làm việc nhóm và quyết đoán, đặc biệt
là khi xử lý những tình huống khẩn nguy.
Đại
diện Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, cho biết cùng với sự phát triển
nhanh chóng của ngành hàng không cũng như theo quy hoạch được Chính phủ
phê duyệt, hệ thống cảng hàng không tại Việt Nam sẽ tăng nhanh với 30
cảng hàng không đến năm 2030 và nhiều hơn nữa đến năm 2050.
Về nhu cầu nhân lực, kiểm soát viên không lưu là một trong những vị trí được tuyển tăng liên tục trong thời gian tới.