Chị M.T.P., mẹ của nam sinh
Đ.G.V, đề nghị giấu danh tính của con trai và trường con đang theo học
vì lý do riêng tư. Tuy vậy, chị đồng ý chia sẻ về thành tích của con
trai với mong muốn giúp nhiều phụ huynh vững tâm trước kỳ thi lớp 6 tới.
Tháng
5/2023, chị P. sững sờ khi con trai bị trường Ams loại hồ sơ. Lý do là
con có một môn học không đạt hoàn thành tốt trong cả 5 năm tiểu học. Đó
là môn thể dục ở lớp 1.
Không chỉ là chuyện tiêu chí sơ tuyển khắt khe, chị P. bức xúc vì thông báo tuyển sinh
của trường không rõ ràng, gây hiểu lầm và tranh cãi giữa việc học sinh
cần đạt danh hiệu hoàn thành tốt cả năm học hay phải đạt hoàn thành tốt ở
tất cả các môn học.
"Nhớ lại thời điểm đó, khi nhiều mẹ thất vọng
đến bật khóc nhìn cánh cổng ngôi trường mơ ước đóng sập trước mặt con
bởi lý do không ai tin nổi, tôi lại rất bình tĩnh. Tôi nghĩ rằng không
trường này thì có trường khác. Dù thực sự, trước đó, tôi đã không tìm
hiểu trường nào ngoài trường Ams", chị P. chia sẻ.
Con
trai chị P. sau đó thi đỗ vào một trường THCS công lập chất lượng cao
của Hà Nội. Chị P. cho con theo học mà lòng không khỏi hoài nghi do chưa
biết gì về trường.
Sau một năm học, chị P. nói con trai và gia
đình đã vô cùng may mắn khi "nhắm mắt đưa chân" vào một ngôi trường
tuyệt vời hơn cả kỳ vọng.
"Ở môi trường này, con như cá gặp nước.
Thầy cô rất sát sao, quan tâm, thường xuyên động viên, khích lệ các con.
Con yêu trường, yêu lớp, học với niềm thích thú", chị P. nói.
Năm học 2023-2024, Đ.G.V. được nhà trường vinh danh là học sinh tiêu biểu của khối 6.
V.
đạt nhiều thành tích nổi bật như giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi tiếng
Anh cấp trường, giải Nhì cuộc thi Violympic tiếng Anh cấp thành phố, huy
chương Vàng các kỳ thi tiếng Anh, toán, khoa học quốc tế như AMO,
SASMO, TIMO, Stem Olympiad…
Từ câu chuyện của con, chị P. gửi lời
động viên, nhắn nhủ các phụ huynh có con thi lớp 6 các trường THCS chất
lượng cao năm nay: "Các bố mẹ hãy tin vào con, rằng không đỗ vào trường
A, trường B, thì con vẫn là chính con. Con có lực học tốt, có bố mẹ đồng
hành thì học ở đâu cũng có thể phát triển được.
Không thầy cô,
nhà trường nào lại bỏ qua những học sinh có tố chất tốt. Nên một học
sinh giỏi, có ý thức cao trong học tập, vào môi trường nào cũng sẽ được
thầy cô chăm chút, bồi dưỡng.
Hằng năm, có rất nhiều thủ khoa kỳ
thi tốt nghiệp THPT học ở trường làng. Năm nay, một học sinh trường làng
ở Hà Tĩnh đã vào đội tuyển Olympic tin học của quốc gia. Thủ khoa 3 đợt
thi kỳ thi đánh giá tư duy của đại học Bách Khoa Hà Nội đều học trường
làng.
Vì vậy, việc học trường gì thực sự không phải yếu tố tiên
quyết giúp con phát triển bản thân. Khi con có tố chất, được thầy cô,
cha mẹ khích lệ, thì ở đâu con cũng có thể tỏa sáng".
Thầy
Đ.V.T., một giáo viên chuyên bồi dưỡng học sinh giỏi tại Hà Nội cho
biết, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi ở bậc tiểu học, trung học cơ sở
ngày càng được đầu tư, quan tâm tại tất cả các trường, không riêng
trường chuyên, trường chất lượng cao.
"Các giáo viên có nhiệm vụ
quan sát, phát hiện tố chất, năng lực của học sinh để phân nhóm và bồi
dưỡng. Do đó, các học sinh có tố chất tốt luôn được trao cơ hội phát
triển, được nhà trường đầu tư bằng nhiều nguồn lực. Trong các kỳ thi học
sinh giỏi của thành phố, không ít học sinh học trường thường đoạt giải
cao.
Bên cạnh đó, ở những đô thị lớn như Hà Nội, cơ hội tiếp cận giáo dục
chất lượng cao rất phong phú, đa dạng hình thức. Các em có thể học
trung tâm, học nhóm, học theo câu lạc bộ, phát triển tố chất riêng mà
không phụ thuộc học ở trường nào", thầy T. chia sẻ.
Thầy T. cũng
nói thêm, nhiều phụ huynh mong muốn con vào trường điểm không hoàn toàn
để chạy đua học tập mà để con có môi trường tốt, có bạn bè giỏi để luôn
cố gắng tiến lên. Song môi trường tốt không phải là nơi tốt với tất cả.
"Trong
trường chuyên lớp chọn vẫn có học sinh top đầu và học sinh top cuối. Ai
cũng cố gắng tiến lên thì sẽ vẫn có người đứng đầu, người đứng cuối.
Cha mẹ học sinh top cuối tất nhiên sẽ không hài lòng với con mình, kéo
theo không hài lòng với thầy cô, nhà trường.
Nếu việc học tập
luôn phải đặt trong bối cảnh lý tưởng, sự học đó sẽ không bền. Con trẻ
cần được cha mẹ dẫn dắt để việc học trở thành một thói quen, một kỷ
luật, một nhu cầu không phù thuộc vào xung quanh bạn là ai", thầy T.
khẳng định.