Nguyễn
Đình Phú (nam sinh lớp 10, trường THPT Quốc Oai, Hà Nội) chia sẻ, khi
nghe giáo viên phổ biến về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học sáng tạo
trong chương 2, môn Hóa học lớp 10, em cảm thấy thích thú nên đã tìm
cách thiết kế lại theo sắp xếp của riêng mình.
Trước khi "chốt"
hình dạng cá mập, em có nghĩ tới một vài hình dạng khác như vòng xoáy,
vòng tròn. Sau cùng, yếu tố ấn tượng giúp Phú quyết định sẽ thực hiện
bảng tuần hoàn hình cá mập.
Thay vì dùng màu sắc như sách giáo khoa, em sử dụng các bộ phận của con cá mập để phân chia các nhóm nguyên tố.
Đình
Phú lý giải: "Em chọn cá mập hổ trong số các loài cá mập vì đơn giản nó
có cấu tạo cơ thể khá cân đối và có sọc vằn trên lưng trông giống như
phân biệt các nhóm với nhau.
Ở phần đầu cá là các nguyên tố chu kỳ
nhỏ (ngoại trừ các nguyên tố halogen và khí hiếm), nổi bật với hình lục
giác màu vàng đại diện cho vòng benzen. Mỗi mặt của hình lục giác sẽ
đại diện cho số nhóm.
Khi tra cứu, người dùng sẽ tra từ trong ra ngoài, vô tình tạo ra hình ảnh một viên đá màu vàng đang tỏa ra ánh sáng.
Trong
khi đó, phần đuôi cá bao gồm khí hiếm và halogen; phần thân là kim
loại; phần lưng là phi kim và lanthanide… Em cũng đặt hình ông Dmitri
Ivanovich Mendeleev ở mắt cá như một sự tôn vinh người phát minh ra bảng
tuần hoàn đầu tiên".
Còn nhắc đến những khó khăn trong quá trình
thực hiện, học sinh lớp 10 cho biết, để có thể hiện thực hóa ý tưởng, em
phải tự học cách xử lý, sắp xếp hình khối, thông tin trên máy tính.
Đồng thời, Phú luôn trăn trở về tính dễ hiểu, mạch lạc và ấn tượng của
dự án này.
"Em luôn mong muốn tìm ra cách thức biến việc học trở
nên dễ dàng và hấp dẫn hơn. Để kiến thức trở nên dễ hiểu, dễ nhớ, việc
tự tìm tòi, tổng hợp và thể hiện thành một sản phẩm riêng là cách hữu
hiệu giúp kiến thức được lưu giữ lâu hơn trong đầu.
Trong tương
lai em vẫn sẽ luôn cố gắng tìm tòi khám phá ra những điều mới mẻ có ích
cho cuộc sống. Em nghĩ hóa học là bộ môn khá thú vị và ứng dụng nhiều
trong đời sống hàng ngày", Đình Phú tâm sự.
Trong suốt 45 ngày "ăn
ngủ" với ý tưởng của mình, Đình Phú học được bài học về sự kiên trì,
không từ bỏ mục tiêu. Hơn thế nữa, em cũng rèn luyện, phát huy tốt khả
năng tự tư duy, học tập, làm việc một cách năng động, sáng tạo.
Cô
Nguyễn Thị Vân Anh - người hỗ trợ, hướng dẫn Nguyễn Đình Phú hoàn thiện
bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học độc đáo này đánh giá cao sự sáng
tạo, ý tưởng mới lạ của học sinh.
"Ở dưới bụng con cá mập em có để dòng chữ màu vàng: "Nếu bạn được đưa giấy có dòng kẻ, hãy viết bằng mặt còn lại".
Lời
khuyên của câu này là cổ vũ chúng ta tin vào chính bản thân mình, không
cần lệ thuộc vào ai bởi đôi khi chính ta còn chưa biết được bản thân có
thể làm được những điều lớn lao, vĩ đại như thế nào", nam sinh nói thêm