Tại chương trình thông tin về Ngày hội thực tập việc làm
lần thứ 16 của trường, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại
học Ngân hàng TPHCM thông tin, khảo sát gần nhất cho thấy có hơn 99% sinh viên của trường có việc làm chỉ trong vòng 3 tháng sau khi tốt nghiệp.
Khảo
sát năm liền trước tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cũng cho thấy có
hơn 90% số sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề được đào tạo.
Theo lãnh đạo nhà trường, kết quả xuất phát từ nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này hiện rất lớn, các ngân hàng, doanh nghiệp đều đang cần tìm người trong quá trình tái cơ cấu.
Đối
với lĩnh vực tài chính ngân hàng, tỷ lệ việc làm nói trên không phải là
điều bất ngờ. Tại nhiều trường đại học, ngành tài chính ngân hàng là
ngành luôn có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao dẫn đầu.
Tại
Đại học Kinh tế TPHCM, ngành tài chính ngân hàng có tỷ lệ sinh viên ra
trường có việc làm theo khảo sát gần nhất là gần 95,5%.
Tương tự,
ngành tài chính ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, sinh viên
ra trường năm 2022 có tỷ lệ việc làm trên 95%.
Kết quả khảo sát
sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi tốt
nghiệp năm 2022 của Học viện Tài chính cho thấy ngành tài chính ngân
hàng đạt tỷ lệ sinh viên có việc làm hơn 98%.
Khảo sát sinh viên tốt nghiệp năm 2022 của Trường Đại học Thương mại thể hiện có nhiều ngành đào tạo có tỷ lệ việc làm 100% trên tổng số sinh viên phản hồi, trong đó có ngành tài chính ngân hàng.
Tại
Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), tỷ lệ sinh viên ra
trường có việc làm năm 2022 trên tổng số sinh viên phản hồi ở ngành tài
chính ngân hàng đạt trên 95%.
Tài chính ngân hàng cũng là ngành có
tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trên tổng số sinh viên phản hồi
dẫn đầu tại Trường Đại học Tài chính Marketing với tỷ lệ hơn 89%.
Hay tại Trường Đại học Ngoại thương, sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng năm 2022 có đến 97,21% có việc làm.
Tài
chính ngân hàng là ngành có mức lương luôn nằm ở nhóm đầu trong các
ngành nghề. Thậm chí trên thị trường lao động, lĩnh vực này có mức lương
được gọi là "sung sướng nhất", "gây thèm khát nhất"...
Theo
hướng dẫn lương 2024 do ManpowerGroup Việt Nam công bố, lĩnh vực tài
chính - ngân hàng tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong những ngành nghề có
mức lương cao nhất.
Tiếp đó đến nhóm ngành số hóa, truyền thông
& công nghệ thông tin, với những công việc có thu nhập tốt nhất
thuộc mảng phần mềm và công nghệ thương mại điện tử.
Báo cáo tài
chính riêng lẻ của 27 ngân hàng niêm yết, trong quý 1/2024 cho thấy 27
ngân hàng chi hơn 25.000 tỷ đồng cho khoản mục chi phí cho nhân viên
(chi lương và phụ cấp, các khoản chi đóng góp theo lương, chi trợ cấp,
chi khác cho nhân viên).
Tính ra, thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên tại 27 ngân hàng này ở mức khoảng 35,8 triệu đồng.
Một
số ngân hàng chi trả cao hơn mặt bằng chung như Techcombank (49 triệu
đồng/người/tháng), MB (48,4 triệu đồng), TPBank (47,3 triệu đồng),
Vietcombank (41,3 triệu đồng), VietinBank (40,6 triệu đồng) và ACB (38,9
triệu đồng).
Ngành tài chính ngân hàng là ngành có phạm trù rộng,
bao gồm các lĩnh vực chuyên biệt như ngân hàng, tài chính doanh nghiệp,
tài chính thuế, tài chính bảo hiểm, phân tích tài chính, kinh tế học
tài chính, bảo hiểm...
Theo dự báo nhu cầu nhân lực cấp cao cho
ngành tài chính ngân hàng đến năm 2025 sẽ tăng 20% mỗi năm, Nhu cầu đối
với trình độ đại học trở lên, cao đẳng chiếm tỷ lệ 80,4% nhu cầu tuyển
dụng. Đặc biệt, tại TPHCM, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này chiếm
tỷ trọng 5% (khoảng 15.000 lao động) tổng số việc làm cần tuyển hàng
năm.
Một số tố chất cần thiết để theo học lĩnh vực ngân hàng như
có khả năng tính toán, tư duy logic và trí nhớ tốt; liên quan đến tiền
bạc nên cần phẩm chất trung thực, cẩn trọng, chính xác, tỉ mỉ; chịu được
áp lực cao, biết quản lý thời gian hiệu quả…
Theo
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, để cung cấp mỗi năm khoảng 4.000 nhân lực cao
cho thị trường, trường chú tâm đầu tư các hoạt động ngoại khóa cho sinh
viên nhằm đào tạo đội ngũ nhân lực không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ
mà còn thích ứng nhanh với những thay đổi trong quá trình làm việc thực
tế, đặc biệt trước xu hướng chuyển đổi số.
Hiện nay, tùy trường,
có nhiều tổ hợp được sử dụng để xét tuyển ngành tài chính ngân hàng như
tổ hợp A00 (toán, lý, hóa); A01 (toán, lý, Anh); A16 (toán, khoa học tự
nhiên, văn); C01 (toán, lý, ngữ văn); C14 (toán, ngữ văn, giáo dục công dân); D01 (toán, văn, Anh); D01 (toán, văn, tiếng Nga); D03 (toán, văn, tiếng Pháp)….