Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ký quyết định ban hành chương trình và giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Công nghệ tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngành thiết kế công nghiệp và đồ họa.
Theo đó, từ năm 2024, Trường đại học Công nghệ (ĐH) sẽ tuyển sinh trình độ cử nhân ngành thiết kế công nghiệp và đồ họa, dự kiến 160 chỉ tiêu.
Chương
trình đào tạo sẽ có 3 chuyên ngành: Thiết kế công nghiệp và kỹ thuật,
thiết kế kỹ thuật và đồ họa, thiết kế mỹ thuật và nội thất.
Bên
cạnh mục tiêu đào tạo các nhà thiết kế, đồ họa, chương trình đặt ra mục
tiêu đào tạo các công trình sư, tổng công trình sư, trên cơ sở các nền
tảng kiến thức về STEM và thế mạnh của nhà trường về toán học, vật lý,
công nghệ thông tin, điện tử - tự động hóa, cơ học, Civil Engineering,
trí tuệ nhân tạo và kiến thức về kiến trúc, mỹ thuật và nghệ thuật.
Được
biết GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là người đề xuất, sáng lập và là tổ trưởng
tổ xây dựng đề án mở ngành và chương trình đào tạo của ngành này. Nhà
trường đã chuẩn bị từ 3 năm, trước khi đưa ngành học vào tuyển sinh
chính thức.
Ngày 20/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ký quyết định về việc cho phép Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đào tạo ngành Sư phạm lịch sử - địa lý (mã số 7140249) và khoa học tự nhiên (mã số 7140247) trình độ đại học.
Theo
Quyết định của Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ thực hiện xác
định chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, cấp
bằng theo các quy định hiện hành; đánh giá chất lượng và kiểm định
chương trình đào tạo theo quy định tại Khoản 5 Điều 33 Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung).
Hiện,
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được phép đào tạo 29 ngành sư phạm (bao gồm cả
ngành sư phạm lịch sử - địa lý; khoa học tự nhiên) và 16 ngành ngoài sư
phạm.
Năm nay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sử dụng 5 phương thức
tuyển sinh: Xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Xét
tuyển thẳng; Xét học bạ THPT; Thi tuyển (thi năng khiếu, thi đánh giá
năng lực); Kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
Trường Đại học Ngoại thương
dự kiến tuyển sinh thêm các ngành mới là khoa học máy tính, chương
trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế, kinh doanh.
Tổng chỉ tiêu dự kiến cho cả trụ sở chính và hai cơ sở TP HCM, Quảng Ninh là 4.130, cao hơn năm ngoái 30.
Sáu phương thức tuyển sinh của Đại học Ngoại thương tương tự như năm 2023.
Điểm
mới của năm nay là với các phương thức sử dụng điểm học bạ, thí sinh
phải đạt tối thiểu 24 điểm thi tốt nghiệp THPT trở lên, theo tổ hợp xét
tuyển.
Trường xét học bạ THPT với ba nhóm: Tham gia kỳ thi học
sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên kỳ thi học
sinh giỏi cấp thành phố; là học sinh trường chuyên.
Phương thức 2
và 3 đều sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, áp dụng với các chương
trình tiên tiến, chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp và phát triển
quốc tế.
Trường Ngoại thương xét tuyển kết hợp điểm IELTS từ 6.5
trở lên (hoặc tương đương) với điểm học bạ hoặc điểm SAT, ACT, A-Level
hay điểm thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội
dự kiến tuyển 9.260 chỉ tiêu cho 64 chương trình đào tạo, tăng 1.275
chỉ tiêu so với năm ngoái. Đại học Bách khoa cũng mở thêm ngành mới là
Chương trình quản lý giáo dục.
Theo đại diện nhà trường, việc quản
lý giáo dục bằng các công nghệ hiện đại hiện đang là xu thế. Khi công
nghệ số phát triển, nhu cầu về lĩnh vực này càng lớn, do đó đây là năm
đầu tiên nhà trường mở ngành này.
Về phương thức tuyển sinh, Đại học Bách khoa giữ ổn định ba phương thức xét tuyển như năm ngoái.
Năm
nay Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến dành khoảng 20% chỉ tiêu cho
phương thức xét tuyển tài năng, khoảng 30% chỉ tiêu cho phương thức xét
tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy. Riêng phương thức xét tuyển theo
điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 dành khoảng 50% chỉ tiêu.
Ngoài một
số đại học top đầu, ngày 26/2, Học viện Phụ nữ Việt Nam thông báo tuyển
sinh 1.590 chỉ tiêu dành cho 10 ngành đại học chính quy bao gồm: Ngành
Quản trị kinh doanh; Luật; Luật kinh tế; Công nghệ thông tin; Công tác
xã hội; Giới và phát triển; Quản trị Dịch vụ Du lịch và lữ hành; Truyền
thông đa phương tiện; Kinh tế; Tâm lý học.