Truyền
thông đa phương tiện được đánh giá là ngành học xuất phát điểm của các
nhà sáng tạo nội dung "triệu view" trên nền tảng số.
Khi theo học
ngành này, bạn sẽ được đào tạo bài bản về kỹ năng viết, khả năng sử dụng
phần mềm đồ họa, sản xuất và phát triển những ấn phẩm truyền thông mang
bản sắc cá nhân.
Đồng thời, sinh viên ngành truyền thông đa
phương tiện còn được trau dồi thêm một số kỹ năng cứng như: quay dựng
video, sản xuất ảnh, thu âm podcast. Đây đều là những kỹ năng cần phải
có của một nhà sáng tạo nội dung.
Theo
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin Thị trường lao động
TPHCM, từ 2015 đến năm 2025, mỗi năm sẽ cần đến 21.600 người trong nhóm
ngành Truyền thông - quảng cáo. Tuy nhiên, số lượng sinh viên đăng ký
ngành mỗi năm chỉ khoảng 5.000-6.000 thí sinh/năm.
Điều này cho
thấy, ngành công nghệ đa phương tiện trong tình trạng "khan hiếm" nhân
lực và sinh viên sau khi tốt nghiệp luôn được các doanh nghiệp
chào đón; người phát triển sản phẩm đa phương tiện cần có hiểu biết tốt
về nền tảng công nghệ, cũng như các kỹ năng thiết kế cần thiết.
Hiện,
nhiều trường đào tạo ngành này như: Học viện Báo chí & Tuyên
truyền; Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông; Trường Đại học Duy Tân;
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM và
ĐHQG Hà Nội), Trường Đại học Công nghệ TPHCM, Trường Đại học FPT...
Chẳng hạn ngành công nghệ đa phương tiện của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
có hai chuyên ngành: Phát triển ứng dụng đa phương tiện và Thiết kế đa
phương tiện. Các ngành này không xét tuyển theo chuyên ngành, khi vào
trường, sinh viên tự chọn chuyên ngành.
Ở chuyên ngành thiết kế đa
phương tiện, sinh viên sẽ vận dụng các kiến thức về thiết kế tương tác
và nghệ thuật hình ảnh đối với các loại hình dữ liệu đồ họa 2D và 3D
trong việc thiết kế các sản phẩm nội dung số.
Ở chuyên ngành phát
triển ứng dụng đa phương tiện, sinh viên có thể tổng hợp được các kiến
thức chuyên sâu để phân tích, thiết kế, phát triển và kiểm thử để phát
triển các phần mềm ứng dụng đa phương tiện tương tác như Web, Game, tạo
kỹ xảo âm thanh và hình ảnh trong các lĩnh vực điện ảnh, truyền hình…
Ngành công nghệ đa phương tiện của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
năm nay lấy 50 chỉ tiêu, với các khối ngành A00, A01. Những năm trước,
điểm chuẩn ngành này lần lượt là: Năm 2022 là 24,75; 2023 khoảng 24,63.
Theo
đại diện nhà trường, trong 2 năm học đầu tiên, ngành học cung cấp các
nền tảng kiến thức cơ bản như mỹ thuật cơ bản, xử lý dữ liệu đa phương
tiện, tư duy thiết kế và ngôn ngữ lập trình.
Trong những năm tiếp theo, sinh viên sẽ tiếp tục phát triển kiến thức chuyên sâu về công nghệ đa phương tiện và truyền thông.
Ngành
học sẽ trang bị cho sinh viên những kỹ năng và kiến thức không chỉ để
phát triển và tạo ra những thiết kế đồ họa bắt mắt và hấp dẫn mà còn để
đưa ra các giải pháp kỹ thuật cho việc sản xuất các sản phẩm phục vụ
trong các lĩnh vực khác nhau và cung cấp nội dung trên các nền tảng khác
nhau.
Ngành truyền thông đa phương tiện của Trường ĐHKHXH&VN (ĐHQG TPHCM) năm nay dự kiến tuyển sinh
70 chỉ tiêu với các khối/tổ hợp xét tuyển: D01 toán - ngữ văn - tiếng
Anh, D14 ngữ văn - lịch sử - tiếng Anh, D15 ngữ văn - địa lý - tiếng
Anh.
Năm 2023, điểm chuẩn các ngành này lần lượt là: Tổ hợp xét
tuyển D01 là 27.20; D14, D15 - 27.25. Điểm đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM:
910.
Cử nhân truyền thông đa phương tiện ở đây có thể làm việc
trong các công ty truyền thông chuyên nghiệp, các cơ quan báo chí, các
công ty tổ chức sự kiện, các kênh truyền hình...
Trong khi đó, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) mới tuyển sinh ngành điện ảnh
và nghệ thuật đại chúng. Ngoài việc trang bị các kỹ năng biên kịch điện
ảnh, truyền hình, sân khấu…, người học có thể sáng tạo nội dung số.
Ngoài ra, quan hệ công chúng cũng được nhiều người lựa chọn với mức điểm chuẩn đầu vào cao.
Một
số trường tuyển sinh ngành này gồm: Học viện Báo chí và Tuyên truyền,
trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân
văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM…
Ngoài
việc sản xuất ra những clip triệu view, nền tảng của ngành học này cũng
có thể giúp bạn trở thành diễn giả, nhà đào tạo (trainer) cho các tổ
chức, doanh nghiệp trong việc sản xuất nội dung số.