Hết thời khối C khó xin việc
Nhiều thí sinh theo học khối C thường khá lo ngại về cơ hội việc làm bởi một thời gian dài nhóm ngành đào tạo khá "kén" việc làm.
Khối C truyền thống bao gồm các môn học: ngữ văn, lịch sử, địa lí. Tuy nhiên, với quy chế tuyển sinh mới, khối C hiện nay gồm 19 tổ hợp. Từ đó, rất nhiều ngành đào tạo đã tuyển "dân khối C" và cơ hội công việc cũng rộng mở hơn.
Những
năm gần đây, xã hội chứng kiến sự quay trở lại đầy ngoạn mục của nhóm
ngành xét tuyển khối C khi điểm chuẩn tăng cao. Như năm 2022, điểm chuẩn
khối C Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội tới
29,95 điểm; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia tới 28,25
điểm.
ThS Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh
nghiệp, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM - nhận
định hiện nay có nhiều ngành "hot" dành cho "dân khối C" như báo chí, du
lịch, quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, marketing, quảng
cáo… Đó là những lĩnh vực đang phát triển rất mạnh ở nước ta vì thế
những bạn có thế mạnh về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử Việt Nam sẽ có lợi
thế.
Dẫu vậy, ông Nam cho rằng vẫn còn những định kiến về người học nhóm ngành này.
"Nhiều người còn định kiến khối C chỉ học thuộc, nhưng những người theo khối này có thế mạnh riêng về sử dụng ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa, giao tiếp, lịch sử.
Trong
bối cảnh toàn cầu hóa và giao tiếp liên văn hóa hiện nay, kiến thức của
người học khối C rất quan trọng. Đặc biệt là những ai biết tận dụng khả
năng sử dụng tiếng "mẹ đẻ" trở thành thế mạnh của mình", ông Nam nói.
ThS
Trần Nam dẫn chứng người làm về quảng cáo, marketing có thể làm việc
bằng tiếng Anh với tập đoàn nước ngoài, nhưng khi hoạt động ở Việt Nam
thì thông điệp cuối cùng vẫn phải bằng tiếng Việt, phải tư duy bằng ngôn
ngữ "mẹ đẻ" mới sáng tạo, gắn liền với đa phần công chúng là người đang
dùng tiếng Việt.
Đồng quan điểm, TS Đỗ Xuân Biên - Trưởng khoa
Khoa học Xã hội, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng - cho biết, hiện nay những
lo ngại về việc làm khi học nhóm ngành khoa học xã hội không còn chính
xác. Rất nhiều ngành có nhu cầu việc làm lớn, thậm chí trở nên phổ biến,
thu hút giới trẻ.
Ông Biên dẫn chứng như ngành truyền thông đa
phương tiện, quan hệ công chúng hiện thu hút nhiều người học và cơ hội
việc làm rất rộng mở. Nhu cầu về tham vấn và trị liệu tâm lý cũng ngày
càng cao trong bối cảnh xã hội công nghiệp hóa, đô thị hóa, áp lực cuộc
sống tăng.
Bên
cạnh đó, từ lâu nay, ngành quan hệ quốc tế đã được coi là ngành học
"sang chảnh", luôn là lựa chọn hàng đầu cho nhiều vị trí công việc.
Ngành này có tính chọn lọc người học, đầu vào cao và chất lượng đầu ra
cao luôn là lựa chọn hàng đầu cho nhiều vị trí công việc.
Một
ngành học khác trong khối ngành khoa học xã hội là ngành Việt Nam học.
Theo TS Xuân Biên, tuy còn chưa nhiều người biết đến và phụ huynh, học
sinh thường đặt câu hỏi "Mình là người Việt học Việt Nam học làm gì?",
nhưng cử nhân Việt Nam học lại có thế mạnh đầu ra. Nhu cầu về chuyên gia
nghiên cứu, tư vấn về văn hóa, pháp luật, kinh tế - xã hội Việt Nam cho
các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đang tăng nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế.
TS
Biên tiết lộ, báo cáo khảo sát việc làm của sinh viên 2 ngành truyền
thông đa phương tiện và quan hệ quốc tế cho thấy, tỷ lệ sinh viên ra
trường sau 1 năm có việc làm của 2 ngành này là 100%, trong đó, làm việc
với ngành đúng hoặc ngành gần với chuyên ngành đào tạo lần lượt là 95%
và 80%.
Dân khối C còn có thể theo học vô số ngành "hot" khác như:
Thương mại điện tử, quản trị sự kiện, quản trị khách sạn, quản trị dịch
vụ du lịch và lữ hành, luật, digital marketing, quản trị kinh doanh,…
Mức lương tương xứng năng lực
Trước
băn khoăn học nhóm ngành này sẽ có thu nhập không cao, TS Đỗ Xuân Biên
cho rằng quan niệm về nhóm ngành này có thu nhập cao, nhóm ngành kia có
thu nhập thấp là không đúng.
"Dù là khối ngành nào, chất lượng con
người mới là yếu tố quyết định. Cùng tốt nghiệp một ngành học, sau 2
năm ra trường, mức thu nhập của các bạn cùng lớp có thể khác nhau nhiều
lần bởi vì kỹ năng mềm, khả năng thích ứng, khả năng tự học khác nhau",
ông Biên nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Huấn - Giám đốc sáng tạo, Công ty Truyền hình Kết nối - cho rằng, ngày nay, nhóm ngành khoa học xã hội không còn lép vế như trước bởi nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khá lớn.
Mức
lương dành cho khối ngành này cũng tăng lên tương ứng, sinh viên mới ra
trường có năng lực tốt hoàn toàn có thể đạt mức lương 20 triệu
đồng/tháng. Chính vì thế, theo ông Huấn năng lực riêng của từng cá nhân
mới là nhân tố quyết định mức thu nhập, có những sếp trưởng phòng quan
hệ công chúng, truyền thông của doanh nghiệp có mức lương đến hàng trăm
triệu đồng/tháng.
ThS Trần Nam cũng thông tin rằng sinh viên tốt
nghiệp nhiều ngành "hot" thuộc nhóm khoa học xã hội và nhân văn được
trọng dụng ở doanh nghiệp, thu nhập phần đa của sinh viên ra trường ở
mức từ 11 triệu đồng/tháng trở lên. Thậm chí, những người làm tốt, có
kinh nghiệm có thể tới mức 1.000 - 2.000 USD/tháng