Chừng 5 giờ chiều, Sộng Thị Pả Dạy xách cặp ra khỏi lớp, đợi em gái học lớp 2 cùng về phòng trọ.
Pả Dạy, 10 tuổi, và em gái là người dân tộc Mông, đang học tại điểm trường Nà Tấu của trường Tiểu học Đứa Mòn, huyện Sông Mã.
Căn
phòng trọ chừng 6 m2, kê vừa ba mảnh gỗ xếp liền để làm giường là nơi ở
của hai chị em và bốn nữ sinh khác, cách điểm trường chừng 16 m. Dưới
gầm giường chất đầy củi khô được bổ sẵn, do bố mẹ các em đèo từ trên núi
xuống. Nhanh chóng cởi áo khoác, Pả Dạy đổ gạo vào chiếc nồi gang rồi
mang đi vo. Thoăn thoắt đôi tay, em bê củi ra bếp, nhóm lửa nấu.
Trong khu bếp tạm, học trò tự đặt các thanh sắt làm bếp. Cứ thế, 5-6 nồi cơm cùng lúc đỏ lửa.
Cơm
sôi, Pả Dạy lại nấu nước pha mì tôm và trứng, kèm chút rau cải để làm
canh. Đây là thực đơn thường xuyên của em. Một vài ngày trong tuần, em
có cá khô hoặc một ít thịt lợn bố mẹ gửi xuống.
Bạn
của Pả Dạy là Sộng Minh Hiếu, sinh năm 2012, ở bản Ngạm Trạng, cho biết
nhiều ngày trong tuần, cả ba bữa của em là mì tôm và cơm trắng, thỉnh
thoảng mới có thêm rau và thịt.
Điểm trường Nà Tấu thuộc xã Đứa Mòn, một xã
vùng ba đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, 45
km. Địa hình ở đây chủ yếu là đồi, núi với 21 bản của người Thái, Mông
và Khơ Mú. Trong khoảng 1.700 hộ dân, hơn một nửa là hộ nghèo và cận
nghèo (thu nhập bình quân đầu người dưới 1,5 triệu đồng một tháng).
Toàn
trường có 149 học sinh, là người dân tộc Mông và Khơ Mú; đến từ bốn bản
Nà Tấu I, Nà Tấu II, Ngạm Trạng, Púng Báng. Trong đó, 82 học sinh thuộc
diện hưởng chế độ bán trú, tự thuê nhà ở xung quanh trường.
Không có các cô nuôi cơm như thường thấy, các em đều tự túc xoay xở việc sinh hoạt và cơm nước hàng ngày.
Thầy
Tòng Văn Hoài, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đứa Mòn, cho biết các em
được hưởng chế độ bán trú khoảng 600.000 đồng tiền ăn, gần 150.000 đồng
tiền thuê nhà mỗi tháng. Những em nhà xa cách trường 2,5 km trở lên,
đường trơn trợt không đi về được trong ngày được cấp 15 kg gạo hàng
tháng.
"Vì điểm trường lẻ, thiếu thốn, nhà trường
không thể mở bếp ăn bán trú, buộc phải để các em tự lo ăn hàng ngày",
thầy Hoài nói, cho biết năm giáo viên của trường cũng đang ở tạm nhà văn
hóa của bản.
Sống xa nhà, học trò ở đây từ lớp 2
đều biết nấu cơm, giặt giũ. Khu trọ do người dân quanh điểm trường dựng
tạm cho thuê nên yên tâm phần nào, nhưng chất lượng bữa ăn của học trò
chưa được đảm bảo, theo thầy Hoài. Với hơn 20.000 đồng mỗi ngày, các em
phải tự chia ba bữa, tính toán kỹ mới đủ no.
"Có hôm bữa sáng của các em là cơm nguội chan với nước lã", thầy hiệu trưởng kể.
Dù vậy, theo thầy Hoài, thậm chí nhiều học
sinh còn "nuôi" bố mẹ. Bởi lẽ, tiền trợ cấp sách vở, ăn bán trú cho học
sinh được phát thành hai kỳ, một số phụ huynh thường lấy tiền của con về
lo việc khác.
Thầy Lò Văn Thân, Phó hiệu trưởng,
nói thêm do phụ huynh ở đây đa phần khó khăn nên không quan tâm nhiều
được đến con cái. Năm ngoái, xã mới có điện, có mạng Internet.
"Nhiều gia đình gạo ăn hàng ngày còn thiếu, nên cũng không trách phụ huynh được", thầy Thân chia sẻ.
Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng Giáo dục
và Đào tạo huyện Sông Mã, cho hay Tiểu học Đứa Mòn có 4 điểm trường cần
tổ chức nấu ăn bán trú nhưng mới chỉ hai nơi làm được.
Theo
ông Viên, học sinh ở đây đã được hưởng chế độ trợ cấp bán trú và học
tập. Phòng Giáo dục huyện và nhà trường cùng các tổ chức, cá nhân có
nhiều chương trình hỗ trợ quần áo, đồ dùng học tập, đồ ăn cho học sinh
Nà Tấu. Tuy nhiên, thầy trò vẫn có nhiều khó khăn.
"Về
lâu dài, để học sinh nơi đây yên tâm học tập, rất mong nhà nước, các tổ
chức, cá nhân tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất", ông Viên nói,
Theo
cô giáo Lò Thị Dim, một số học sinh lớp 1, lớp 2 ở trọ thường không
biết chăm sóc bản thân. Mùa đông các em không biết mặc ấm, không biết đi
giày, dép. Do đó, thầy cô, anh chị lớp trên phải hỗ trợ, như giặt quần
áo và chải đầu cho các em. Vì thế, thầy, trò và phụ huynh đều mong mỏi
điểm trường có nhà bán trú và đủ điều kiện cơ sở vật chất để nấu ăn tập
trung.
Sộng Thị Pả Dạy nói thích đến trường. Bố mẹ dự định cho em học đến lớp 12 rồi sẽ tính xem nên đi làm hay học cao hơn.
"Còn hiện tại, em mong cơm ngon và nhiều thịt như trên tivi", cô bé người Mông nhoẻn miệng cười