Kiếm tiền từ năm lớp 7, từng nghĩ đến nghỉ học
Mỗi
ngày, ngoài giờ học, Lê Thị Minh Tuyết (sinh năm 2004, quê Vĩnh Phúc),
đều bận rộn với việc tổ chức các buổi livestream bán hàng, xây dựng kênh
giới thiệu sản phẩm và kinh doanh thời trang.
Cô
cho biết bắt đầu công cuộc kiếm tiền từ năm lớp 7. Gia đình có truyền
thống kinh doanh thời trang, Minh Tuyết khởi nghiệp với công việc làm đầu mối sỉ cho các cộng tác viên bán lẻ trên mạng xã hội.
Nắm
bắt cơ hội kiếm tiền, từ năm lớp 10, cô gái Vĩnh Phúc đã có thể tự
trang trải chi phí sinh hoạt cá nhân mà không cần xin tiền từ cha mẹ.
Thời điểm ấy, Tuyết từng có suy nghĩ nghỉ học vì thấy cơ hội kiếm tiền
quá dễ.
"Khi đó, Facebook còn đang phát triển mạnh, bán hàng
online là xu hướng và em thấy được cơ hội kinh doanh từ đó. Em tính nghỉ
học luôn nhưng được gia đình, thầy cô khuyên bảo đi học tiếp", Tuyết
nhớ lại.
Năm
lớp 11, cô nàng mạnh dạn mở một cửa hàng tại Vĩnh Phúc, ban đầu doanh
số khá tốt nhưng sau đó do nhiều đơn hàng nhưng thiếu thời gian và kinh
nghiệm quản lý nên "sập tiệm" khi mới được một năm.
Tốt nghiệp
trung học phổ thông, Tuyết muốn tiếp tục theo đuổi kinh doanh nên đăng
ký theo học chuyên ngành marketing sale tại Trường Cao đẳng FPT
Polytechnic.
Trong khoảng thời gian này, cô vẫn tiếp tục phát
triển với công việc livestream bán hàng. Khoảng thời gian đầu, nhiều
lúc, Tuyết cảm thấy nhàm chán vì công việc lặp đi lặp lại, nói liên tục
nhưng thu nhập chỉ khoảng 100.000 đồng/giờ.
Không nản, Tuyết tìm
các hướng phát triển mới về bản thân, từ đó, nhận được nhiều lời mời hợp
tác của các nhãn hàng. Cùng với kinh nghiệm tăng, mức thu nhập cũng
tăng lên đáng kể.
Lọt "mắt xanh" nhà tuyển dụng, được mời làm trưởng nhóm
Không chỉ "đắt show" livestream, Tuyết còn nhận được nhiều lời mời làm việc chính thức tại doanh nghiệp.
Trong buổi phỏng vấn với doanh nghiệp
ở môn học phát triển cá nhân 2 mới đây, cô sinh viên trẻ dự định ứng
tuyển vị trí nhân viên nhưng kết quả lại được một doanh nghiệp dược mỹ
phẩm mời làm việc chính thức ở vị trí trưởng nhóm.
Chia sẻ về lý
do có thể lọt được vào "mắt xanh" của các nhà tuyển dụng, Minh Tuyết cho
biết, cô đã theo ngành marketing sale được 2 năm và thực chiến từ khi
mới 14-15 tuổi nên được đánh giá cao về kinh nghiệm và kết quả đạt được.
Lê Thị Minh Tuyết tham gia hợp tác cùng các nhãn hàng (Ảnh: NVCC).
Ngoài ra, trước khi bắt đầu công việc, Tuyết dành thời gian để tìm hiểu về sản phẩm, thông tin doanh nghiệp.
Khi
làm việc, Tuyết không chỉ hoàn thành phần việc của mình mà luôn nhiệt
tình giúp đỡ các đồng nghiệp trong mảng lên ý tưởng, quay video, nhờ vậy
mà cô có thêm nhiều kinh nghiệm phong phú.
Song, vì còn đang đi
học và bận với những dự án riêng nên Tuyết không chọn trở thành nhân
viên chính thức mà hợp tác cùng doanh nghiệp xây dựng kênh giới thiệu
sản phẩm.
"Em thấy may mắn vì không bỏ đi học bởi đi học cho em
thêm rất nhiều kinh nghiệm và hiểu biết, tăng cường các kiến thức, kỹ
năng mềm ở những lĩnh vực liên quan.
Nhiều bài học, chia sẻ từ thầy cô tạo động lực để em phấn đấu", Minh Tuyết chia sẻ.
Chia
sẻ về định hướng tương lai, Minh Tuyết cho hay khoảng 2-3 tháng nữa em
sẽ tốt nghiệp hệ cao đẳng và dự kiến mở thêm cửa hàng bán trực tiếp ở Hà
Nội và Bắc Ninh. Cô nàng sẽ tiếp tục trau dồi thêm kinh nghiệm, liên
tục đổi mới ý tưởng, kết hợp phát triển bán hàng trực tuyến và trực
tiếp.
Bà Trần Hải Yến, chủ nhiệm bộ môn kinh tế, Trường Cao đẳng
FPT Polytechnic nhận xét Minh Tuyết là một nữ sinh rất năng động, có tố
chất, đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Cô là một trong những sinh viên nổi
bật, bắt nhịp, nắm bắt lĩnh hội kiến thức, kinh nghiệm từ các thầy cô
rất nhanh.
"Minh Tuyết vận dụng rất tốt triết lý giảng dạy theo
hướng thực học, thực nghiệp của nhà trường. Nhà trường cũng bố trí lịch
học liền kề, tạo điều kiện cho sinh viên có thời gian để làm thêm, trau
dồi kinh nghiệm cá nhân hoặc đến các xưởng thực hành", bà Yến nói.