Từ trải nghiệm trước đây của
mình, Thanh Ngọc, sinh viên năm nhất Đại học Kinh tế TPHCM, đưa ra một
vài lưu ý cần thiết cho thí sinh trước ngày thi lớp 10.
Lưu ý này liên tục được học sinh chia sẻ, trong đó có nhiều nội dung "xin đừng" gửi đến các thí sinh.
Nữ sinh này cho hay, đi thi đừng gây chú ý, tốt nhất là mặc đồ đồng phục học sinh của trường.
Đừng
màu mè hoa lá hẹ, kể cả kẹp tóc, tốt nhất cũng dùng thun màu đen cột
thắt gọn gàng, tránh gây chú ý với người xung quanh, đặc biệt là khi…
gặp phải giám thị khó tính.
Trường hợp thí sinh tự đi xe đạp điện
đến điểm thi, cần kiểm tra kỹ đã nạp điện đầy bình, tránh giữa đường đến
hết điện giữa đường, dẫn đến tình huống đi trễ.
Nếu được, những
ngày này hãy… cứ làm "con cưng" của bố mẹ, nhờ bố mẹ đưa đón sẽ an toàn
hơn. Chú ý đến điểm thi sớm trước ít nhất 30-40 phút để hạn chế những
tình huống không hay.
Ngủ sớm, không tâm linh hay thức đăng các
status (trạng thái) hay chia sẻ mấy cái thìa, quả cam (từng có trào lưu
học sinh chia sẻ cái thìa, quả cam để qua môn). Tinh thần không tỉnh
táo, khi vào phòng thi đợi một lúc, chưa làm bài đã có thể gục lên gục
xuống.
Dừng ôn thi, dừng việc cố gắng nhồi nhét kiến thức vào ngày
cuối cùng, điều này chỉ khiến thí sinh mệt mỏi và áp lực hơn. Thay vào
đó có thể đọc truyện, xem phim và đi ngủ sớm để có tinh thần tỉnh táo
nhất.
Phải ăn sáng, tuyệt đối không ăn uống quá qua loa như uống
mỗi sữa hay ăn đồ ăn vặt. Học sinh lót bụng bằng mỳ gói hay ổ bánh mì,
tránh ăn đồ quá nhiều dầu mỡ vào buổi sáng.
Cũng không nên uống
quá nhiều nước trước giờ thi, hạn chế việc phải đi vệ sinh nhiều lần ảnh
hưởng đến khả năng tập trung và thời gian làm bài.
Kiểm tra dụng cụ đầy đủ, quan trọng nhất là giấy báo dự thi, căn cước công dân và bút viết, thước kẻ.
Đặc
biệt, nữ sinh viên này lưu ý thí sinh đừng mang máy tính vào ngày thi
văn, ngoại ngữ tránh trường hợp bị tráo đổi máy tính khi để đồ dùng, cặp
sách tại phòng để đồ chung. Chính người bạn của Thanh Ngọc từng bị tráo
sang chiếc máy tính bị hỏng.
Vào trường thi nhớ tắt nguồn điện thoại, tắt báo thức, tắt chuông điện thoại, an toàn nhất nếu có thể là để điện thoại ở nhà.
Khi
làm bài không quay qua quay lại, ngó trái ngó phải vì lúc này không ai
giúp được mình. Thà cứ tập trung làm bài còn vớt vát được ít điểm hơn là
ngó nghiêng có thể bị lập biên bản.
Thi xong môn nào hãy đi thẳng
ra về, đừng ở lại dò đáp án. Việc dò đáp lúc này chỉ làm thí sinh thêm
lo lắng, hoang mang về "sự đã rồi" và kéo theo ảnh hưởng đến các môn kế
tiếp.
Ai hỏi thi có tốt không, cứ trả lời "làm được bài", hoặc
"làm cũng hết bài không bỏ sót câu nào", tinh thần để dành cho các môn
thi tiếp theo.
Trước mỗi kỳ thi vào lớp 10, thầy Võ Kim Bảo, giáo
viên dạy văn, Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TPHCM cũng dặn học trò, làm
xong bài thi môn đầu tiên, các em hãy lặng lẽ ra khỏi phòng thi, có thể
không cần phải nói lời nào với ai, đi thẳng về.
Cũng đừng vội
trao đổi đáp án với bạn, đừng lên mạng xem đáp án, cũng đừng gọi ngay
cho thầy cô để hỏi xem mình làm bài có đúng không.
Ngoài ra, thầy
giáo dạy văn này cũng "xin" một ngày của các em không có internet. Bởi
chỉ cần lướt Facebook 5 phút, các em sẽ lại thấy người ta chia sẻ, bàn
tán đáp án, sẽ thấy bạn bè hớn hở khoe mình trúng tủ hoặc thấy bạn bè
khóc lóc bù lu bù loa vì làm sai một câu nào đó... Điều này kéo ảnh
hưởng rất lớn đến các em ở các môn sau.
Với
phụ huynh, thầy Bảo cũng mong bố mẹ đừng vội hỏi con: "Con làm bài được
không?", mà hãy hỏi: "Con mệt không? Con đói không? Uống trà sữa trân
châu ít đường, ít đá nhiều phô mai kem không?"…
Một câu hỏi của bố mẹ có thể đã quyết định tâm trạng thoải mái, dễ chịu hay căng thẳng ở con cái.
Năm
nay, để động viên học trò, thầy Bảo mua tặng mỗi em học sinh của lớp
mình hai chiếc bút bi. Ngoài ra, như lời nhắc giúp học trò đi thi đúng
giờ, phân chia thời gian làm bài hợp lý, thầy còn tặng mỗi em một chiếc
đồng hồ đeo tay.