"Không mấy tự tin về xuất phát điểm khiêm tốn"
Thời
cấp 3, Thu Hiền theo học tại Trường THPT Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh).
Cô gái trẻ kể, bản thân không phải là dân trường chuyên lớp chọn, lực
học ở bậc phổ thông ở mức khá.
Thời
gian đầu khi mới bước chân vào trường Đại học Ngoại thương, Thu Hiền
khá "ngợp" trước môi trường học tập quy tụ sinh viên có thành tích xuất
sắc và năng động.
Cô nhớ lại: "Tại đây có rất nhiều bạn học giỏi,
là thủ khoa, học sinh giỏi quốc gia, rồi học sinh trường chuyên… Em
không mấy tự tin về xuất phát điểm có phần khiêm tốn của mình. Bên cạnh
đó, em đi học xa nhà nên những ngày đầu có phần nhớ nhà, khó tập trung
học tập.
Nhưng may mắn là sau đó em đã nhận được sự động viên từ
một số anh chị đi trước, từ đó mạnh dạn thể hiện bản thân, tham gia các
hoạt động và học tập một cách tích cực để đạt kết quả tốt".
Suốt
3,5 năm học đại học, Hiền đạt điểm A ở 47/48 môn học. Chỉ có môn Kinh tế
chính trị vào năm nhất đại học là điểm B. Hiền bày tỏ sự hối tiếc vì đã
không đăng ký học cải thiện điểm để tốt nghiệp với điểm GPA tuyệt đối.
Chia
sẻ bí kíp để "học vượt", tốt nghiệp sớm, Thu Hiền nói: "Để làm được
điều này, em đã xây dựng chiến lược khi đăng ký các môn học.
Em sẽ
đăng ký từ 10-11 môn, bao gồm các môn đại cương, cơ sở ngành tại các kỳ
học đầu, bởi lúc này khối lượng kiến thức còn ít; đăng ký từ 6-7 môn
bao gồm các môn chuyên ngành tại các kỳ học sau để có thể tập trung tối
đa vào các phần kiến thức quan trọng, phục vụ cho công việc sau này".
Chưa từng đặt mục tiêu trở thành thủ khoa
Từ
khi vào trường, chưa từng nghĩ đến việc có thể tốt nghiệp với thành
tích thủ khoa đầu ra, mục tiêu Trần Thị Thu Hiền đặt ra cho quãng thời
gian đại học là cố gắng hoàn thành tốt nhất các bài kiểm tra, các học
phần để ra trường sớm nhất có thể.
Ngày nhận tin có điểm số cao
nhất trong đợt tốt nghiệp sớm của trường, cô gái trẻ đã rơm rớm nước mắt
vì bất ngờ, xen lẫn tự hào. Hiền dành tặng món quà này cho gia đình -
những người luôn đồng hành, ủng hộ mọi quyết định của em.
Đồng
thời, Hiền cũng coi thành tích này là một món quà quý giá để chứng minh
cho những nỗ lực của bản thân trong suốt mấy năm đại học.
Thủ
khoa trường Đại học Ngoại thương cũng nhấn mạnh: "Em vốn coi việc mình
đạt điểm cao nhất trong kỳ tốt nghiệp sớm lần này là một dấu ấn ngọt
ngào để kết lại cho những năm tháng đã phấn đấu tại trường chứ không
hoàn toàn nghĩ đây là một chiến thắng. Em xác định mình còn rất nhiều
điều phải nỗ lực, học hỏi để nâng cao giá trị, nâng cấp bản thân".
Thủ khoa đại học không quyết định mức lương
Nói
về khả năng công việc, thu nhập khi ra trường với cương vị một thủ khoa
danh giá, cô gái thành thật: "Theo em thì thủ khoa đại học là một danh
hiệu, chứ không phải là cơ sở để quyết định mức lương cho sinh viên mới
ra trường. Lương, thu nhập người đi làm có được dựa trên năng lực làm
việc, khả năng cống hiến cho công ty, chứ không dựa vào danh tiếng
trường mình học hay điểm số ở trường".
Tuy nhiên, cô gái trẻ cũng ý
thức, nếu theo đuổi công việc đúng ngành học, kiến thức ở trường đại
học sẽ là nền tảng có thể phục vụ cho công việc, giúp nhân sự có khả
năng tiếp cận vấn đề nhanh hơn.
Bên cạnh đó, Thu Hiền nhận định kỹ năng mềm là yếu tố rất quan trọng giúp ứng viên tạo được ấn tượng đối với nhà tuyển dụng.
Chia sẻ việc từng trải qua các công việc làm
thêm từ gia sư, cộng tác viên viết bài tới quản lý trang mạng xã hội,
thực tập sinh khai báo hải quan, cô cho biết, mỗi công việc đều đem lại
những bài học quý giá.
"Việc làm gia sư giúp em cải thiện kỹ năng
truyền đạt, giải thích vấn đề. Cộng tác viên viết bài, quản lý fanpage
giúp em nâng cao khả năng viết lách, quản lý thời gian, làm việc nhóm.
Khi làm thực tập sinh khai báo hải quan, em có cơ hội vận dụng những
kiến thức đã học vào thực tiễn, rèn luyện sự cẩn thận, tỉ mỉ. Em tin
rằng những điều này sẽ là nền tảng hỗ trợ em trong những công việc tương
lai", nữ sinh đúc kết