Trịnh Hải Đăng (23
tuổi, Nghệ An) là sinh viên khoa Xã hội học, trường Đại học Khoa học Xã
hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM. Hiện nay, cô còn là diễn giả,
cố vấn tại các chương trình cho thanh niên và cộng đồng.
Giao lưu quốc tế đem lại nhiều cơ hội phát triển
Hải
Đăng thể hiện niềm yêu thích với các hoạt động giao lưu quốc tế từ
những năm đầu đại học. Do vậy, cô đã không ngừng nỗ lực, tìm kiếm cơ hội
tham gia vào các hoạt động đa quốc gia này. Cô hy vọng thông qua đó
được tiếp xúc với nhiều người tài giỏi, tiếp thu thêm nhiều kiến thức
hay và trải nghiệm những hành trình mới mẻ.
Đến nay, Hải Đăng đã
tham dự hơn 15 chương trình học bổng và hội nghị quốc tế, được tài trợ
toàn phần. Đáng chú ý là cơ hội được trở thành đại diện thanh niên Việt
Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo
(Indonesia) năm 2023.
Nữ
sinh hạnh phúc chia sẻ: "Việc được tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần
thứ 42, được tiếp kiến Tổng Thư ký ASEAN cùng các nguyên thủ quốc gia
Đông Nam Á là niềm vinh dự mà mình may mắn có được".
"Trong khuôn
khổ Hội nghị, các đại biểu thanh niên được tổ chức riêng một phiên tiếp
kiến các nguyên thủ quốc gia Đông Nam Á để trình bày khuyến nghị chính sách và được trực tiếp góp ý và phản hồi.
Tổng
thư ký ASEAN cũng nhấn mạnh, trong những năm tới, sẽ đẩy mạnh thiết kế
thật nhiều sân chơi cho thanh niên khu vực để người trẻ được cất tiếng
nói, được lắng nghe, được phát triển", Hải Đăng nói thêm.
Bên
cạnh đó, gần đây, nữ sinh gen Z đã vượt qua gần 11.000 ứng cử viên trên
toàn thế giới để là một trong 100 đại biểu chính thức tham dự Hội nghị
chuyên đề toàn cầu 2024 của Học viện Yenching (Yenching Global Symposium
- YGS), tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.
Tại đây, Hải Đăng có cơ
hội được gặp gỡ, tiếp xúc và làm việc với nhiều chuyên gia, học giả uy
tín trên thế giới, cùng các đại biểu lãnh đạo trẻ từ đa dạng lĩnh vực,
chuyên môn thảo luận về chủ đề "Cân bằng: Thế giới trong trạng thái cân
bằng" (Equilibrium: Our World in Balance).
Cô còn được trải nghiệm
văn hóa Trung Quốc thông qua những phiên giao lưu văn hóa như viết thư
pháp, hí kịch, đua thuyền, múa cổ truyền, võ thuật,… cũng như các phiên
kết nối với các học giả của Đại học Bắc Kinh.
Bằng những cơ hội có
được, Hải Đăng luôn tận dụng để nêu lên tiếng nói của người trẻ Việt
Nam, quảng bá hình ảnh quốc gia đến với bạn bè quốc tế. Trong các phiên
họp, cô luôn chủ động phát biểu những ý kiến, tích cực thảo luận đưa ra
giải pháp.
Hay tại các phiên giao lưu văn hóa, Đăng cũng chuẩn bị
những bộ áo dài truyền thống, nón lá, thể hiện những ca khúc của dân
tộc, như một cách đưa bản sắc dân tộc tới gần hơn với bạn bè trên thế
giới.
Nỗ lực chinh phục học bổng khám phá thế giới
Sở
hữu thành tích khủng nhưng xuất phát điểm của Hải Đăng lại là một sinh
viên bình thường, có phần tự ti về bản thân. Do đó, để có được những bộ
hồ sơ ứng tuyển học bổng ưng ý, Hải Đăng đã không ngừng cố gắng, trau
dồi để hoàn thiện mình.
Quá trình chuẩn bị này của Đăng thường
xoay quanh ba vấn đề chính, gồm: Bồi đắp khối kiến thức đa ngành; Bồi
dưỡng các kỹ năng cần thiết như lãnh đạo, triển khai vấn đề, viết lách…;
Trau dồi ngoại ngữ.
Việc chuyên cần, hăng hái trong học tập và
tích cực tham gia công tác Đoàn đã tạo cho cô gái trẻ tiền đề tích lũy
khả năng lãnh đạo vững chắc. Ngoài ra, Đăng còn chủ động tích lũy thêm
kiến thức từ các cuộc thi, cập nhật thông tin ở các bài báo khoa học uy
tín.
Về phương pháp học ngoại ngữ, nữ sinh bộc bạch: "Mình không
có phương pháp gì khác ngoài phải luyện tập thường xuyên. Bởi nếu người
học không trau dồi thì sẽ rất nhanh quên kiến thức, gây uổng phí công
sức. Do đó, mình cũng tranh thủ tham gia các cuộc thi hùng biện tiếng
Anh, chủ động học thêm tiếng Trung tại nhà".
Hơn
nữa, theo quan điểm của Hải Đăng, điểm mấu chốt khi ứng tuyển các học
bổng toàn phần đó là hiểu mình và hiểu chương trình. Một bộ hồ sơ thành
công sẽ chỉ ra được sợi dây liên kết mật thiết giữa bản thân - chương
trình - cộng đồng.
"Những lần đầu ứng tuyển, mình thường có tâm lý
cố thể hiện bản thân là một ứng viên rất phù hợp, rất "hoàn hảo" với
những thành tích hào nhoáng, GPA thật cao,… mà chưa thực sự tìm hiểu sâu
xem rằng bản sắc cá nhân thực sự của mình là gì, chương trình thực sự
đang cần tìm kiếm một ứng viên thế nào" Hải Đăng nói.
Nhìn lại
những chặng đường đã qua, nữ sinh tâm sự: "Ban đầu, mình chỉ muốn tham
gia cho thỏa chí tò mò và niềm ham học hỏi. Thế nhưng, càng gắn bó với
hành trình này, mình nhận thấy lối suy nghĩ và niềm trăn trở với cộng
đồng trong mình cũng được chuyển hóa theo.
Mình thực sự mong muốn
có thể đóng góp lại một điều gì đó dù là nhỏ thôi, cho cộng đồng của
mình. Đặc biệt là đồng hành cùng các bạn học sinh, sinh viên trong hành
trình khai phá bản thân. Và một lần nữa khẳng định, giao lưu quốc tế để
phục vụ cộng đồng chính là tinh thần xuyên suốt khi mình ứng tuyển".
Với
tâm thế của người đã có kinh nghiệm trong việc ứng tuyển học bổng tham
gia các diễn đàn, hội nghị quốc tế, Hải Đăng hy vọng rằng các bạn trẻ sẽ
không chần chừ, để cơ hội vụt qua ngay trước mắt. Nếu cảm thấy sợ, các
bạn hãy vừa sợ vừa làm. Bởi khi bạn dám thử thì mỗi người đã cho phép
bản thân có 50% cơ hội để đạt được điều mình mong muốn.