Thông tin từ phía gia đình, lễ khiển điện và di quan cố PGS.TS Đào Nguyên Khôi - Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) diễn ra vào sáng nay 31/5.
Những ngày qua, nhiều đồng nghiệp, sinh viên vẫn không khỏi bàng hoàng, đau đớn trước sự ra đi của PGS.TS Đào Nguyên Khôi.
ThS
Phùng Quán, đồng nghiệp với PGS. TS Đào Nguyên Khôi tại Trường Đại học
Khoa học Tự nhiên TPHCM, chia sẻ Khôi là một người rất giản dị, hòa đồng
với mọi người nhưng rất kiên quyết, quyết đoán trong công việc.
Ông
Quán trải lòng, thời gian qua vừa chống chọi với bệnh tật, những lúc
sức khỏe ổn định, anh Khôi lại tập trung tập trung chuyên môn, hoàn
thành hướng dẫn các học viên sau đại học và nghiên cứu sinh.
"PGS
Khôi cũng viết xong 2 cuốn sách chuyên khảo và làm hồ sơ đăng ký đạt
chuẩn Giáo sư năm 2024. Tiếc thay giờ người đã ra đi và những dự định
còn dang dở", ông Quán cho hay.
Sáng ngày nhận được tin xấu "thầy
qua đời", một học trò cũ của thầy Đào Nguyên Khôi cho biết em vẫn không
dám, không muốn tin đó là sự thật dù biết thầy có bệnh lâu nay.
"Sáng
nay em nhận được hai cuộc gọi nhỡ, nhìn số điện thoại em biết có cảm
giác chẳng lành. Chỉ cầu mong sao bắt máy lên không phải là điều em
nghĩ. Vậy mà nó vẫn xảy ra.
Cái ngày em biết tin thầy bệnh rồi
khỏe, em mừng khôn xiết chỉ mong đó là một kiếp nạn sẽ qua đi và cũng đã
bao lần em hứa với lòng sẽ sắp xếp lên thăm thầy nhưng cứ lần lữa rồi
thì giờ không còn cơ hội nữa rồi,
Thầy ơi, thầy yên nghỉ nha thầy!
Đối với mọi người thầy là một công dân tiêu biểu, một Phó giáo sư, một
Tiến sĩ rất giỏi. Còn đối với em thầy mãi là một người thầy đáng kính,
một kỷ niệm, ký ức rất đẹp của tuổi trẻ", người học trò này nói trong
nghẹn ngào.
Trước sự ra đi của PGS.TS Đào Nguyên Khôi, GS Phan
Thanh Sơn Nam - GS trẻ nhất năm 2014 - từ Australia ngậm ngùi bày tỏ về
một chữ "thương".
GS Phan Thanh Sơn Nam trải lòng, Khôi nhỏ hơn
mình gần chục tuổi, khi thì bạn gọi mình bằng thầy, khi thì bạn gọi mình
bằng anh. Cả hai cùng quê ở miền Trung, sau này gia đình GS Nam vào
Đồng Nai sinh sống, còn gia đình Khôi chuyển lên Đắk Lắk.
Cùng làm
việc chung ở Đại học Quốc gia TPHCM nhưng lại khác trường và khác
ngành, hai người không có cơ hội làm việc chung với nhau. Anh em tình cờ
gặp nhau đâu đó cũng chỉ chào hỏi dăm ba câu xã giao rồi lại tất bật
với công việc, chứ không có dịp nói chuyện với nhau.
"Thật ra mình
từng biết rất nhiều người giỏi, và mình luôn ngưỡng mộ những người
giỏi, vì họ làm được những chuyện mà mình không làm được.
Tuy
nhiên, với bạn, mình dùng một chữ thương. Mình dùng một chữ thương,
không phải vì bạn giỏi, không phải vì bạn thành công, cũng không phải vì
bạn nổi tiếng. Người giỏi thì nhiều, người thành công cũng nhiều, người
nổi tiếng cũng không ít.
Mình dành cho bạn một sự đồng cảm, vì
khi bạn chạm được tay vào thành công, bạn vẫn còn nhớ và nhắc đến tên
những người thầy đầu tiên của bạn trên con đường làm khoa học. Sống hơn
nửa đời người, đi nhiều, thấy nhiều, mới thấy thương những người như
bạn", GS Phan Thanh Sơn Nam tự sự.
GS Nam cũng cho hay, ông quý
Khôi vì Khôi có những suy nghĩ đơn giản như mình. Đó là ngày trước được
thầy cô tận tình dẫn dắt thế nào thì giờ này sẵn sàng trao lại cho thế
hệ trẻ tiếp nối mà không cần toan tính thiệt hơn điều gì.
Ông
kể, cách đây một năm, ông nhận được tin dữ về bạn. Đang giữa độ tuổi
chín muồi về tài năng, bạn vướng vào căn bệnh trời kêu ai nấy dạ. Giữa
xứ người, mưa thu lạnh buồn thê thiết, nhìn lá thu úa vàng rụng gần hết,
ông vẫn cầu mong có một phép màu để chiếc lá cuối cùng đừng bao giờ
rụng.
Sự ra đi của PGS.TS Đào Nguyên Khôi, ông Sơn Nam cũng nhắc
lại câu chuyện mười mấy năm trước, ông có một người học trò đặc biệt, mồ
côi cha, học rất giỏi và thật ngoan hiền.
Ngày học trò lên đường
đi du học, ông bận việc nên không ra sân bay tiễn bạn được. Học trò
trách thầy còn nợ bạn một cái ôm chia tay, mình hẹn bạn năm sau về thăm
nhà thì mình sẽ trả nợ.
Nhưng rồi lời hứa kia không bao giờ thành
hiện thực, học trò ấy cũng bất ngờ vướng vào căn bệnh trời kêu ai nấy
dạ, mà tình trạng cũng giống y như bạn bây giờ.
"Nếu biết đó là
lần gặp gỡ sau cùng, mình sẽ ôm bạn một cái thật chặt để tạm biệt. Ngày
đó, mình cũng từng cầu mong có một phép màu nhưng rồi phép màu không
đến, chiếc lá cuối cùng rồi cũng phải lìa cành...
Chia ly, người ở
lại mới là người buồn nhất, còn bạn thì nhẹ gót thong dong về trời. Nợ
trần bạn đã trả xong, lên đường bình an nhé chàng trai …", GS Phan Thanh
Sơn Nam nói lời tiễn biệt đến PGS.TS Đào Nguyên Khôi.
Thông tin
từ đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM),
PGS.TS Đào Nguyên Khôi, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học
Tự nhiên, qua đời vào sáng sớm nay, ngày 28/5 sau thời gian chống chọi
với bệnh ung thư máu.
TS Đào Nguyên Khôi, là chủ nhiệm của nhiều
đề tài nghiên cứu khoa học, có nhiều đóng góp các thông tin khoa học
tích cực trong công tác quản lý môi trường và biến đổi khí hậu.
Tính
đến năm 2019, TS Đào Nguyên Khôi đã công bố được hơn 60 bài báo khoa
học trên các tạp chí và tuyển tập hội nghị trong và ngoài nước (trong đó
có 17 bài báo trong danh mục ISI và 06 bài báo trong danh mục SCOPUS).
Khi
chỉ mới 33 tuổi, ông được công nhận học hàm Phó giáo sư, là một trong
những người trẻ tuổi nhất được công nhận học hàm Phó giáo sư năm 2019