Giảng dạy tại một trường đại học chuyên về kỹ thuật ở TPHCM, vị PGS.TS trải lòng, điều ông trăn trở nhất hiện nay là sự thiếu sức sống, sinh khí, đam mê trong học tập và sinh hoạt của sinh viên - những người trẻ ở độ tuổi nhiều năng lượng nhất.
Ông
kể, buổi học giờ đây đưa cái bóng điện, cục pin, đến các loại đồ dùng,
máy móc... rất khó để nhìn thấy sự thích thú, say sưa, mày mò tìm hiểu
tận cùng từ sinh viên.
Nhiều em thờ ơ, hờ hững, mặc kệ, chỉ cần
học cho xong tiết, cho qua môn nhiều hơn là để tìm tòi, để làm sao mình
hiểu biết, làm sao mình có thể làm tốt nhất có thể.
Bản thân ông
đã thử rất nhiều cách trong đổi mới phương pháp dạy học, truyền thụ,
tăng thực hành để tạo sự háo hức, hứng thú cho người học. Nhưng những cố
gắng của ông dường như chẳng thấm vào đâu, rất khó để tạo được khát
khao học tập, hứng thú, khám phá, sáng tạo cho sinh viên.
Có khi,
nhìn sinh viên học hành và sinh hoạt trong trạng thái thờ ơ, vật vờ, lờ
đờ, thân thể rệu rã, ông phải thốt lên rằng các em chẳng khác nào "xác
sống" ở giảng đường.
Ông
nhận ra, nhiều em không yêu thích, hứng thú với lĩnh vực mình đang học.
Chưa kể, đi cùng đó, không ít sinh viên có lối sống vô tổ chức, thiếu
kỷ luật như thức khuya, nhậu nhẹt, chơi game, lướt mạng, không đọc
sách, không thể dục thể thao...
"Có thể đánh giá hơi chủ quan
nhưng điều tôi quan sát thấy nhiều sinh viên háo hức nhất là lướt
Facebook, Tiktok "hít"... drama. Chỉ cần có vấn đề, sự cố của ai đó là
nhiều em thức xuyên đêm, tag (gắn thẻ) bạn bè vào theo dõi. Còn việc học
hành và rèn luyện từ chối tham gia hoặc có thì sơ sài cho xong việc",
ông bày tỏ.
Dòng chia sẻ gần đây về tình trạng sinh viên lờ đờ, vật vờ của diễn giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương được nhiều người chú ý.
Hơn
mười năm làm giáo viên, giảng viên và thêm chừng ấy năm tiến hành các
hoạt động giáo dục, ông Vương nhận thấy ở trường phổ thông, cao đẳng,
đại học trên giảng đường có thể bắt gặp vô số học sinh, sinh viên lờ đờ,
mệt mỏi, ngáp ngắn ngáp dài, ngủ gật, bài không chép, bài tập không
làm, hỏi không nói, gợi ý không nghĩ… Hoàn toàn thiếu năng lượng và sinh
khí.
Ông đưa ra một hình ảnh đối chiếu có phần nghịch lý là ở các trung tâm xuất khẩu lao động
từ sân đến phòng học hừng hực khí thế với các hoạt động thể dục thể
thao, học ngoại ngữ, ký túc xá ngăn nắp, gặp khách các em chào hỏi rất
tử tế...
Không khẳng định điều gì nhưng theo diễn giả này, chỉ
thấy ngày càng nhiều thanh niên đi học rất vật vờ, lờ đà lờ đờ như người
không sức sống. Dường như, mắt các cháu chỉ sáng lên khi vồ lấy điện
thoại hay nhào vào quán xá nào đó.
Khi còn sống, cố GS.TS Nguyễn
Vân Nam (chuyên gia về luật cạnh tranh, luật sở hữu trí tuệ) cũng từng
chia sẻ, khi qua Đức học, ông trăn trở với câu hỏi vì sao nước Đức là
một trong những nước nghèo nhất thế giới sau thảm bại trong chiến tranh
Thế giới 2, cả Nhật cũng vậy nhưng họ quật khởi, xây dựng quốc gia thịnh
vượng rất nhanh chóng.
Và rồi ông tự tìm được câu trả lời cho
chính mình. Ở Đức, ông nhìn thấy sự khác biệt là nội lực và biết khơi
dậy nội lực trong mỗi công dân, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Dạy ở Đức, ông
thấy rõ sinh viên rất vui vẻ, thoải mái, khí chất đầy năng lượng.
Khi
về nước, ông không nhìn thấy sự tươi sáng, khỏe mạnh, thanh thản ở trên
nét mặt sinh viên. Ông cũng tự hỏi, phải chăng các em gặp gánh nặng tài
chính khi bố mẹ phải lo toan học phí. Tuy nhiên, theo ông điều sâu xa
hơn nằm ở triết lý giáo dục, ở việc khơi gợi nội lực của con người trong
giáo dục.
Vào lễ khai giảng đầu năm học, diễn văn phát biểu của
nhiều hiệu trưởng các trường đại học đều nhấn mạnh sinh viên cần phải
phát huy nhiệt huyết, năng lượng của tuổi trẻ với thái độ học tập nghiêm
túc, hăng say; rèn luyện thể lực, tâm lý khỏe mạnh, thúc đẩy nội lực
của bản thân...
Phía
sau những lời kêu gọi đó không ít người thầy đang rơi vào bất lực như
Phó giáo sư ở trường đại học chuyên ngành về kỹ thuật nọ nói như an ủi:
"Mình không thể nào dạy cho người không muốn học".
Những đứa trẻ
không muốn học! Bất chấp tỷ lệ học sinh xếp loại xuất sắc, giỏi đến sinh
viên loại xuất sắc, giỏi cao ngất ngưởng trong những năm gần đây, chúng
ta đang phải đối mặt với thực tế những đứa trẻ không muốn học, không
đọc sách, không rèn luyện, không khát khao tìm hiểu, khám phá, sáng
tạo...