Trên đây là
chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội thảo quốc tế "Nguồn nhân
lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu", diễn ra ngày 4/5
tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản
lý, đại diện doanh nghiệp, trường đại học đã thảo luận những nội dung
quan trọng về nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.
Trong
đó, một số vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận như: Tính khả thi
của việc đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn đến năm 2030; các chính sách
hỗ trợ của Chính phủ; kinh nghiệm của các doanh nghiệp, trường đại học
hàng đầu thế giới; phương thức chia sẻ, dùng chung phương tiện, phòng
thí nghiệm dùng cho đào tạo và thiết kế chip bán dẫn...
Theo Phó
Thủ tướng Trần Hồng Hà, đào tạo ngành vi mạch bán dẫn cần có tính toán,
dự báo dựa trên tín hiệu thị trường, thực sự đáp ứng nhu cầu của thị
trường, tránh phát triển nóng, tràn lan, thiếu hiệu quả.
Đào tạo
nhân lực ngành này, đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tiếp
cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Nhấn
mạnh ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng,
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, một đất nước phát triển phải có nền
công nghiệp hiện đại.
Ở một đất nước có nền công nghiệp hiện
đại khi có một ngành công nghiệp điện tử hiện đại, trong đó, dẫn đầu là
ngành công nghiệp bán dẫn.
Lĩnh vực ứng dụng của ngành công nghiệp bán dẫn hết sức rộng rãi, từ các hệ thống dân dụng như năng lượng, giao thông
cho đến sử dụng ứng dụng trong công nghệ thông tin, hay các ứng dụng
trong trí tuệ nhân tạo, internet, vạn vật hấp dẫn, siêu máy tính, đến
các hệ thống quốc phòng an ninh.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ,
ngành công nghiệp bán dẫn có tính toàn cầu, với tính đặc thù là sự phức
tạp của sản phẩm, đòi hỏi sự đầu tư lớn về sản xuất và yêu cầu cao về
trình độ lao động, đi trước tiềm năng, xử lý năng lực cạnh tranh của sản
phẩm.
Liên
quan đến việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đáp ứng các tiêu chuẩn
quốc tế, theo Phó Thủ tướng, muốn đào tạo hàng chục ngàn lao động chất
lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn, trước hết phải ưu tiên đào
tạo, thu hút đội ngũ giáo viên, giảng viên chất lượng cao, có kinh
nghiệm chuyên sâu trong ngành để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Trong
đó, nên cung cấp các khóa đào tạo và chương trình huấn luyện chuyên
sâu, tạo điều kiện, môi trường để đội ngũ tiếp tục nghiên cứu và cập
nhật kiến thức mới nhất.
Đánh giá cao sự đi đầu, dẫn dắt của các
trường đại học trong đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn, Phó Thủ tướng cho
biết, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành các chính sách thuận lợi cho các
trường đại học thực hiện chuyển đổi chương trình đào tạo về vi mạch bán
dẫn, kết nối mật thiết với doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trần Hồng
Hà cũng khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc đồng hành cùng cơ sở
đào tạo, doanh nghiệp để tạo ra môi trường kinh doanh và học thuật thuận lợi, khuyến khích sự đổi mới, nghiên cứu, phát triển, sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn.