Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng việc tăng học
phí mầm non, phổ thông công lập cần được tính toán, triển khai bài bản,
đảm bảo mục tiêu giáo dục của nhà nước.
Theo Nghị định 81 năm 2021, mức trần học phí mới với
giáo dục mầm non và phổ thông sẽ được áp dụng từ năm học 2022-2023, dao
động 50.000-650.000 đồng một tháng, một học sinh, tùy theo địa bàn và
cấp học.
Dựa vào khung này, hồi năm ngoái, Hà Nội,
TP HCM và nhiều địa phương đã dự kiến mức học phí mới. Cụ thể, Hà Nội
đưa ra mức học phí mầm non, THCS dao động 50.000-300.000 đồng một tháng,
tăng gần gấp đôi mức 19.000-190.000 đồng của năm học trước. Học phí dự
kiến tại TP HCM cũng tăng năm lần. Nhiều tỉnh, thành khác tương tự.
Tuy
nhiên, cuối tháng 12/2022, việc này phải dừng do yêu cầu của Chính phủ
nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên, gia đình thu nhập thấp, kiểm soát lạm
phát. Hiện, nhiều địa phương rục rịch tăng học phí trở lại.
Tại
cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan chiều
10/5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng tăng học phí mầm non, giáo dục
phổ thông công lập là vấn đề có tác động xã hội rất lớn. Việc này phải
được tính toán, triển khai một cách căn cơ, bài bản, tổng thể, trên tinh
thần nhân văn.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục
và Đào tạo đánh giá kỹ tác động để có chính sách học phí phù hợp với khả
năng đóng góp, chi trả của người dân; đồng thời có chính sách hỗ trợ
đối tượng khó khăn, yếu thế để không làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận
giáo dục của nhóm này.
Ngân sách nhà nước đầu tư
cho giáo dục sẽ không giảm, nhưng không cào bằng, dàn trải. Với việc
thúc đẩy tự chủ, xã hội hoá ở những địa bàn thuận lợi, ngân sách nhà
nước tập trung cho học sinh thuộc diện chính sách, khó khăn, yếu thế.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu "không
làm thay đổi mục tiêu thực hiện phổ cập mầm non, tiểu học, THCS" và
nguyên tắc "Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cung cấp dịch vụ giáo dục cơ
bản cho 100% học sinh mầm non, giáo dục phổ thông".
Bộ
Giáo dục và Đào tạo cần tính toán nguồn ngân sách dành cho giáo dục từ
các chương trình mục tiêu quốc gia như xoá đói giảm nghèo, phát triển
kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; ngân sách
tiết kiệm được khi thực hiện tự chủ ở địa bàn thuận lợi. Từ đó, Bộ có
phương án về nguồn ngân sách nhà nước cấp bù phần học phí tăng thêm cho
nhóm khó khăn.
Hầu hết học sinh thuộc diện khó khăn
đang sinh sống ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Ông Hà lưu ý
việc bảo đảm chế độ, chính sách, thu nhập cho đội ngũ giáo viên tại các
khu vực này ngang bằng với mức trung bình cả nước.
Với
bậc đại học, Phó thủ tướng cho rằng cần sửa đổi nghị định 81 để có lộ
trình thích hợp, sớm áp dụng chính sách học phí theo hướng tính đúng,
tính đủ để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp. Các trường
cần có chính sách hỗ trợ sinh viên để không làm giảm cơ hội vào đại
học.
Học phí bậc mầm non, phổ thông do HĐND cấp
tỉnh quyết định. Theo nghị định 81, khung học phí được điều chỉnh theo
tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng
chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng
chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm