Chọn học ngành gì để có việc làm trong 5 năm tới?
Đó là trăn trở của phụ huynh Nguyễn Hoài Thu (quận 5, TPHCM) đặt ra khi tham gia một chương trình tư vấn tuyển sinh được tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM mới đây.
Có
con học lớp 12, tuy nhiên đến thời điểm này, gia đình chị Hoài Thu vẫn
chưa thống nhất được ngành học của con bởi nhiều nỗi lo lắng.
"Tôi
được biết, năm tới, học phí ở các trường đại học đều tăng cao, do đó để
lo cho con ăn học trong 4 năm tới không phải điều dễ dàng. Trong khi
đó, rất nhiều cử nhân nhận bằng tốt nghiệp xong nhưng lại chạy xe ôm
công nghệ hoặc đi làm lao động chân tay tại các công ty", người mẹ trăn
trở.
Do đó, chị Thu rất quan tâm đến việc ngành nghề nào có nhu cầu nhân lực cao trong 5 năm tới.
Cơ
hội việc làm cũng là điểm đáng chú ý khi nhóm bạn Thúy Vy, Bảo Vy - học
sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TPHCM) - khi
nghe tư vấn.
Nhóm nữ sinh cho biết, trong quá trình chọn trường,
chọn ngành thì học phí, cơ hội việc làm và thu nhập sau khi ra trường là
3 điều quan trọng được học sinh đặt ra để lựa chọn.
Có
hai con học lớp 11 và lớp 12, đều chuẩn bị bước vào đại học, chị Nguyễn
Thị Kim Trang (40 tuổi, tỉnh Bình Thuận) cũng như "ngồi trên đống lửa"
khi nghe tin học phí ngày càng tăng.
"Cả 2 con chỉ cách nhau 1
tuổi, đứa này vừa vào đại học là năm sau tới đứa tiếp theo. Các khoản
phải chi tiêu nhiều hơn. Bây giờ điện nước, nhà ở, chi phí sinh hoạt ở
thành phố rất đắt đỏ. Vậy nên việc các trường tăng học phí gây ra nhiều
khó khăn", chị Trang chia sẻ lo lắng.
Để bớt gánh nặng, cả gia
đình chị Kim Trang đang tìm trường đại học có học phí phù hợp để con
được đến giảng đường, song cũng đảm bảo yếu tố ra trường có việc làm.
Giải
đáp thắc mắc của phụ huynh, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó giám đốc
Đại học Kinh tế TPHCM - cho biết hầu hết học sinh, phụ huynh đều muốn
chọn ngành phù hợp với nhu cầu của xã hội để có cơ hội việc làm rộng mở.
Tuy
nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước và thế giới hiện nay biến
động bất định, rất khó để đưa ra dự báo chính xác cho một vài năm tới
ngành nghề nào sẽ có cơ hội việc làm nhiều nhất. Chưa kể, sự phát triển
bùng nổ của công nghệ cũng đã làm thay đổi nhiều đến hành vi của người
dân, khách hàng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Dù
vậy, theo ông Bảo, các chuyên gia vẫn đưa ra một số dự báo việc làm tốt
cho xu hướng đào tạo có tính đa ngành, liên ngành, xuyên ngành và đa
lĩnh vực. Do vậy, những ngành nghề nào có kiến thức cộng hưởng về kỹ
năng của nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ tạo ra sự an toàn cho người sở hữu
tấm bằng đại học tương lai.
Phó
giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM gợi ý phụ huynh, học sinh quan tâm tới
những ngành học ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân
tạo để giải quyết các bài toán kinh tế truyền thống.
Chẳng hạn
như hiện nay, người ta dùng công nghệ để xử lý các vấn đề về phục vụ
khách hàng, cải thiện cho khách hàng, giao dịch tại các ngân hàng,
logistics...
Dẫu thế, theo vị chuyên gia, chọn một ngành nghề phù
hợp với xu hướng phát triển của xã hội là quan trọng, nhưng điều quan
trọng không kém là học như thế nào và học ở trường nào.
"Đừng xem
học đại học như là học nghề. Ở trường đại học, điều mà sinh viên thụ
hưởng đó là sự tự học, tự nghiên cứu để thay đổi, nâng cấp bản thân để
tấm bằng đại học của mình không cũ kỹ, lạc hậu, dù nền kinh tế phát
triển thế nào", GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo chia sẻ thêm.
Cùng
với đó, ông Quốc Bảo nhấn mạnh việc lựa chọn ngành học phù hợp với tố
chất của bản thân là điều đáng lưu tâm. Nếu chọn học ngành thời thượng,
nhưng chúng ta không phù hợp với nó thì cũng không thể khai thác hết
tiềm năng để tạo ra sự phát triển.
"Tóm lại, tôi cho rằng các bạn
nên lựa chọn những ngành nghề có tính cộng hưởng, có tính kết hợp nhiều
ứng dụng hiện nay, đón đầu xu hướng bùng nổ về công nghệ và khoa học kỹ
thuật, đổi mới sáng tạo của nền kinh tế.
Cùng với đó, tư duy học
đại học là tư duy tự học, tự nghiên cứu, tự cập nhật kiến thức bản thân,
thích ứng với sự phát triển của xã hội... Đó là những cái điều cốt lõi
mà chúng ta cần cân nhắc trong quá trình chọn ngành, chọn nghề, chọn
trường", ông Bảo khuyên.
Lắng nghe con trong chọn nghề
Theo
TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân
văn, Đại học Quốc gia TPHCM, trong quá trình lựa chọn ngành nghề, phụ
huynh nên lắng nghe các con để định hướng chứ không nên áp đặt.
Ông
chia sẻ rằng một số phụ huynh thương con, chọn ngành giúp con để mong
sau này có việc làm tốt, thu nhập cao. Trong khi, con lại muốn chọn
ngành khác, cơ hội việc làm không nhiều, ít tiền nên phụ huynh không
chấp nhận.
"Với thế hệ gen Z ngày này, các em có hứng thú thì mới
học và thành công được. Cho nên phụ huynh ép buộc các em cũng không học
tốt được. Chúng tôi từng chứng kiến rất nhiều em vào giảng đường đại học
phải dừng lại sau thời gian học vì không đúng những gì các em nghĩ và
không đúng đam mê", ông Hạ cảnh báo.
Phó
hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn khuyên rằng phụ
huynh đừng quá lo lắng trong chuyện quyết định chọn ngành của con. Nếu
các em có đam mê, học giỏi sẽ có việc làm tốt.
"Giỏi không chỉ về
kiến thức mà còn giỏi về kỹ năng thì chắc chắn sẽ có cơ hội thăng tiến
và có thu nhập tốt. Nếu các con đã tự định hướng được ngành nghề của
mình thì phụ huynh nên đồng hành cùng con mình", TS Phạm Tấn Hạ nói.