Đặt nguyện vọng 1 cho ngành xét tuyển sớm?
Đặt câu hỏi đến lãnh đạo Bộ GD&ĐT tại ngày hội tuyển sinh- hướng nghiệp
diễn ra tại Hà Nội ngày 17/3, nhiều phụ huynh và thí sinh băn khoăn:
"Có nên đăng ký nguyện vọng theo phương thức/tổ hợp xét tuyển? Có phải
nguyện vọng 1 sẽ dành cho các ngành xét tuyển sớm? Chúng tôi phải hỏi
lại những điều này bởi "nghe nói rồi nhưng vẫn sợ sai", một phụ huynh
cho hay.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục
đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, trên hệ thống của Bộ GD&ĐT thí sinh
chỉ cần quan tâm tới một nguyên tắc: ngành nào thích nhất đặt lên
trước.
Trường hợp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm nhưng không
phải ngành thích nhất, thí sinh có thể xếp sau. Nếu các ngành thí sinh
thích không đủ điều kiện trúng tuyển, hệ thống sẽ vẫn xét đến ngành các
em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm (theo quy định của các trường).
Việc
xét tuyển sớm phụ thuộc các trường đại học. Tuy nhiên theo quy định của
Bộ GD&ĐT, các thí sinh sau khi đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm của
các trường, vẫn phải đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên hệ thống
xét tuyển của Bộ GD&ĐT và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số
nguyện vọng đã đăng ký mới hợp lệ.
Hệ thống này sẽ chỉ xác nhận
thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất. Vì thế trên hệ thống này,
thí sinh cần sắp xếp thứ tự đặt nguyện vọng mình yêu thích lên trên. Thí
sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng
đó, không xét tiếp.
Về việc đăng ký nguyện vọng, theo bà Thủy, thí
sinh sẽ chỉ đăng ký nguyện vọng theo ngành/trường mà không cần đăng ký
nguyện vọng theo phương thức, tổ hợp xét tuyển. Hệ thống của Bộ sẽ tự
động chọn phương thức và tổ hợp nào tối ưu nhất, có lợi nhất cho thí
sinh.
Tuy nhiên, thí sinh cần nhớ, phải cập nhật lên hệ thống xét
tuyển của Bộ GD&ĐT tất cả những dữ liệu có thể phục vụ cho việc xét
tuyển như điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực,
các chứng nhận để cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy chế Bộ
GD&ĐT ban hành.
"Vừa đáng thương, vừa đáng trách"
Kỳ
thi tốt nghiệp THPT 2024 cơ bản giữ nguyên như năm 2023, Bộ GD&ĐT
chỉ thay đổi một số kỹ thuật để đảm bảo chặt chẽ hơn nữa.
Theo TS
Lê Mỹ Phong, phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), các
em cần chủ động ôn tập, bám sát nội dung được dạy học ở trường và sách
giáo khoa.
Thứ hai, các em cần lưu ý việc chọn môn thi. Theo quy
định, học sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT năm nay sẽ phải đăng ký thi
4 bài trong tổng số 5 bài thi của kỳ thi này. Các em học ngoại ngữ là
tiếng Anh, nhưng vẫn có thể đăng ký thi ngoại ngữ khác như tiếng Pháp,
tiếng Trung, Tiếng Đức…
Với thí sinh tự do có thể được chọn môn
thi thành phần trong bài thi tổ hợp dự thi để xét tuyển đại học nhưng
chỉ được chọn một trong hai tổ hợp KHTN hoặc KHXH, không được chọn đồng
thời cả hai bài thi.
Thứ tư, mỗi thí sinh sẽ được cấp 1 tài khoản
phục vụ việc dự thi và xét tuyển. Các em cần bảo mật tài khoản này để
đảm bảo không bị người khác truy cập, sửa chữa thông tin của mình.
Thứ
năm, thí sinh cần đọc kỹ quy chế và lưu ý phần trách nhiệm của thí sinh
khi dự thi để biết các em được và không được mang gì vào phòng thi,
tránh bị xử lý kỷ luật, ảnh hưởng đến kết quả thi.
"Những năm
trước, thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng năm nay, quy
chế của Bộ GD&ĐT ghi rõ, cấm mang các thiết bị này vào phòng thi.
Nhiều em mang vào mặc dù chưa sử dụng nhưng bị lập biên bản đình chỉ
thi, điều này vừa đáng thương, vừa đáng trách", TS Phong nói.
Về
đề thi, TS Lê Mỹ Phong cho biết, năm nay ban đề thi không chỉ có lãnh
đạo cục, vụ trực thuộc Bộ GD&ĐT mà còn có lãnh đạo các sở GD&ĐT.
Điều chỉnh về nhân sự này để đề thi được ra vừa sức với học sinh, đảm
bảo được các mục đích đặt ra của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT, đánh giá
chất lượng giáo dục phổ thông.