Hiện
tượng này được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Trần Thế
Cương nêu tại Hội nghị hướng dẫn xét tuyển tốt nghiệp THCS năm học
2023-2024 và tuyển sinh đầu cấp năm học 2024-2025.
Ông
Cương cho biết, sự gia tăng dân số cơ học gây nên tình trạng quá tải
cục bộ tại các trường thuộc Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ
Liêm. Tuy nhiên, ở một số quận nội thành, nếu tuyển sinh đầu cấp theo
địa bàn phường, nhiều trường thiếu học sinh.
Điều này được lý giải
bởi sự già hóa dân số ở vùng lõi của Hà Nội, tỷ lệ sinh thấp, không có
chung cư cao tầng được xây dựng ở trung tâm.
Từ thực tế này, ông
Cương nhấn mạnh việc phân tuyến tuyển sinh đầu cấp cần được nghiên cứu
để điều chỉnh sao cho hợp lý hơn, không để tình trạng nơi tuyển sinh
không đủ, lãng phí cơ sở vật chất, nơi cha mẹ phải bốc thăm để có một
suất học công lập cho con.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các phòng giáo dục
kiểm soát chặt chẽ chỉ tiêu tuyển sinh, hạn chế ở mức cao nhất việc
tuyển sinh trái tuyến của các trường trên địa bàn, đặc biệt đối với các
trường đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao; đảm bảo số học sinh trên một lớp
đúng quy định góp phần đẩy mạnh kế hoạch công nhận trường chuẩn quốc
gia.
Ông Trần Thế Cương cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện
nghiêm túc "3 không": Không tổ chức thi tuyển vào lớp 1, không khảo sát
học sinh đầu năm học, không thu hoặc vận động phụ huynh đóng góp các khoản ngoài quy định.
Năm
học 2024-2025, Hà Nội dự kiến tuyển mới 100.000 trẻ vào nhà trẻ, 52.000
trẻ vào mẫu giáo, khoảng 145.000 học sinh vào lớp 1, 160.000 học sinh
vào lớp 6, 81.200 học sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập, 51.800
học sinh vào các trường THPT tư thục, trung tâm GDNN-GDTX, các trường
nghề có giảng dạy văn hóa chương trình GDTX cấp THPT.
Thành phố
dành ngân sách hơn 21.000 tỷ đồng cho tất cả các trường công lập nâng
chuẩn, xây dựng trường mới và xây bổ sung phòng học, trong đó có 8
trường liên cấp từ tiểu học đến THPT có quy mô hiện đại, rộng từ 5ha trở
lên.