Ưu tiên xét tặng NGND, NGƯT cho nhà giáo công tác ở lĩnh vực đặc biệt
Theo
Nghị định 35 (Nghị định số 35/2024/NĐ-CP ngày 2/4/2024) vừa được chính
phủ ban hành, quy định về xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo
ưu tú có nhiều điểm mới.
Đáng chú ý là chế độ ưu tiên khi xét
tặng danh hiệu NGND, NGƯT được áp dụng với người công tác tại địa bàn
biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt hoặc
trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Thông
tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, hiện nay, cả nước
có 32 trung tâm và 34 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có nhiệm vụ
giảng dạy, chăm sóc, giáo dục học sinh khuyết tật với hơn 2000 cán bộ
giáo viên. Tuy nhiên, trong 3 lần xét tặng gần đây theo quy định cũ
(Nghị định 27), chỉ có 2 cán bộ quản lý được phong tặng danh hiệu NGƯT,
chưa có giáo viên trực tiếp giảng dạy được phong tặng.
Nghị định
mới quy định rõ, các thành tích để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT phải
đạt được trong thời gian công tác trong ngành giáo dục; không sử dụng
thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước để xét tặng
danh hiệu NGND, NGƯT.
Cá nhân được hưởng lương và bình xét thi
đua, khen thưởng hàng năm tại đơn vị nào thì đề nghị xét tặng danh hiệu
NGND, NGƯT tại đơn vị đó.
Nghị định cũng chia 7 nhóm để xét tặng danh hiệu theo phân cấp đơn vị công tác và địa bàn công tác với các tiêu chuẩn khác nhau.
Bổ sung tiêu chuẩn mới đánh giá tài năng sư phạm của nhà giáo
Tiêu
chuẩn đánh giá tài năng sư phạm của nhà giáo được bổ sung thêm nội dung
biên soạn báo cáo chuyên đề tại hội nghị, hội thảo chuyên môn do bộ,
ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức hoặc chủ trì biên soạn tài liệu bồi dưỡng
theo các chương trình bồi dưỡng.
Bên cạnh đó, ngoài danh hiệu giáo
viên dạy giỏi, Nghị định mới bổ sung danh hiệu giáo viên Tổng phụ trách
Đội giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi.
Ở nhóm đối tượng công tác
trong trường đại học, thành tích đào tạo tiến sĩ đối với các ngành,
trường không được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ được thay thế
bằng thành tích hướng dẫn học viên cao học bảo vệ thành công luận văn
thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú; hoặc hướng dẫn sinh
viên, nhóm sinh viên đoạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường,
hoặc nhà giáo có đề tài nghiên cứu khoa học đoạt giải cấp trường trở
lên…
Quy định này giúp cho nhà giáo công tác tại đại học địa phương, đại học tư thục có cơ hội tham gia xét danh hiệu.
Cắt giảm thủ tục hành chính, rút gọn quy trình xét tặng
Theo
quy định mới, hội đồng xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT chỉ còn 3 cấp: cấp
cơ sở, cấp bộ/ban/ngành/tỉnh/đại học quốc gia và cấp nhà nước.
Việc
lấy phiếu tín nhiệm, hướng dẫn khai hồ sơ, xác nhận hồ sơ, đánh giá uy
tín, tầm ảnh hưởng của nhà giáo sẽ do hội đồng thi đua - khen thưởng của
đơn vị thực hiện, nhằm giảm bớt 1 hoặc 2 cấp hội đồng trong quá trình
xét tặng.
Điều chỉnh Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng đại học quốc gia
đề nghị trình lên Hội đồng cấp Nhà nước, không qua Hội đồng chuyên ngành
của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm sự công bằng về số lượng cấp hội
đồng đối với nhà giáo thuộc bậc học mầm non, phổ thông so với các bậc
học khác.
Danh hiệu NGND, NGƯT được xét tặng và công bố 3 năm 1 lần vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.