Chiếc máy của nhóm sinh viên trường Đại học Bách
khoa Đà Nẵng làm khô và mịn thức ăn, bổ sung chế phẩm vi sinh để tạo
thành phân bón hữu cơ sau 3-4 tiếng.
Trở về từ cuộc thi Đổi mới sáng tạo và Kinh doanh
(IEC) tại TP HCM hôm 5/4, Nguyễn Hoàng Nam, 20 tuổi, cùng bạn bè bắt tay
ngay vào việc cải tiến máy xử lý thức ăn thừa thành phân bón. Không
giành được giải nhưng sau cuộc thi, sản phẩm của nhóm Nam được doanh
nghiệp liên hệ, gợi ý đầu tư để phát triển. Một số nhà hàng, khách sạn ở
Đà Nẵng cũng đặt vấn đề dùng thử.
"Chúng em trân
quý cơ hội đó nên quyết tâm nâng cấp cho máy chạy ổn định hơn và khắc
phục một số điểm chưa hài lòng như tốc độ vòng quay của trục, lưỡi dao
cắt", Nam, sinh viên năm thứ hai, khoa Hóa, nói.
Nhóm của Nam có 6 người, gồm Đặng Văn Trung,
Nguyễn Tuấn Phong, Nguyễn Hoàng Nam, Trịnh Phương Như Yên, Huỳnh Thị Thu
Dung và Trầm Thủy Trúc. Các thành viên đến từ nhiều khoa khác nhau như
Tự động hóa, Công nghệ sinh học và Công nghệ hóa học.
Chiếc
máy của nhóm có kích thước 50x55x36 cm, được thiết kế trên cơ sở làm
khô và mịn chất thải hữu cơ, có bổ sung chế phẩm vi sinh hữu ích để tạo
phân bón hữu cơ. Sau chu trình xử lý 3-4 tiếng, thành phẩm có thể mang
ra bón đất trồng rau.
Chàng trai Đà Nẵng cho hay
ý tưởng về chiếc máy xuất phát từ thực tế gia đình hay đổ bỏ thức ăn
thừa. Việc này vừa lãng phí lại ảnh hưởng môi trường. Đồ ăn khi phân hủy
sẽ bốc mùi, thu hút ruồi, muỗi, gián, có thể khiến dịch bệnh sinh sôi.
Ban
đầu, Nam và các bạn hướng vào đối tượng gia đình nhưng sau đó chuyển
hướng sang các nhà hàng, khách sạn vì nhu cầu lớn hơn. Theo một nghiên
cứu trên tạp chí MPID năm 2021, mỗi ngày các nhà hàng nhỏ ở Đà Nẵng thải
ra khoảng 20 kg thức ăn, cơ sở lớn từ 120 đến 200 kg. Trong khi đó, máy
xử lý thức ăn thừa trên thị trường là hàng nhập khẩu, có giá 30-40
triệu đồng một chiếc. Hầu hết cơ sở được khảo sát đều mong muốn có giải
pháp xử lý đồ ăn thừa với chi phí hợp lý.
Khi bắt
tay vào làm, nhóm nhận thấy không đơn giản. Ở Đà Nẵng cũng có các cuộc
thi sinh viên khởi nghiệp, sáng tạo, nhưng chưa có sản phẩm nào tương
tự. Nhóm phải thiết kế từ đầu và tìm mua nguyên liệu rồi tự gia công.
Phụ trách phần kỹ thuật của nhóm, Đặng Văn Trung cho hay khâu thiết kế
quan trọng và mất thời gian nhất.
"Bản vẽ là một
chuyện nhưng khi làm lại là chuyện khác. Lúc thiết kế, chúng em chưa
nhìn thấy được hết những vấn đề", Trung chia sẻ, cho biết tính làm khung
nhôm cho máy nhưng khi dựng lên thấy không ổn, phải thay bằng khung sắt
cho chắc chắn.
Ngoài ra, phần trục cắt chưa chạy
trơn tru, các em cũng phải tháo ra mài lại cho tròn. Lần đó, không cơ sở
cơ khí nào ở Đà Nẵng nhận gia công cắt và mài sắc các lưỡi dao nhỏ gắn
vào trục bên trong máy nên nhóm phải mang tới xưởng của đội thi Robocon
của trường để nhờ cắt hộ.
Phần lớn thành viên trong
nhóm mới học năm thứ hai, thứ ba, kiến thức tích lũy chưa đủ nên gặp
nhiều khó khăn ở các khâu. Nhưng nhờ tham gia câu lạc bộ nghiên cứu khoa
học ở trường, các em được anh chị khóa trên hướng dẫn chọn dây curoa,
bugi để làm trục quay và tư vấn chọn trục rỗng hay đặc. Để tiết kiệm chi
phí, nhóm cũng xin lại bảng mạch, bộ điều khiển trong những robot cũ để
đưa vào máy của mình.
Một thành viên trong nhóm có
nhiệm vụ viết code chu trình của chiếc máy giống như máy giặt. Bỏ thức
ăn thừa vào máy, người dùng chỉ cần bật công tắc, máy sẽ tự động chạy.
Trong máy sẽ có những cảm biến để nhận diện khi nào chu trình xử lý đó
kết thúc.
Một tuần rưỡi trước khi thi, chiếc máy
vẫn chưa chạy được. Cả nhóm lại mang máy xuống xưởng, nhờ các anh chị
khóa trên hỗ trợ. Nhiều hôm, thành viên trong nhóm thức tới 5h để sửa
lỗi. Cuối cùng, nhóm đã hoàn thành kịp để mang máy tới trình bày tại
cuộc thi.
Chi phí để hoàn thiện máy mẫu khoảng 10
triệu đồng, trong đó ban tổ chức hỗ trợ 3,5 triệu đồng, thầy cô 2 triệu
đồng, phần còn lại do các thành viên đóng góp.
"Sinh viên làm được những sản phẩm hữu ích
khi vẫn còn trên ghế nhà trường như này là quá tốt", cô Lê Lý Thùy Trâm,
trưởng bộ môn Công nghệ Sinh học, khoa Hóa, cũng là một trong hai giảng
viên trực tiếp hướng dẫn, nói.
Theo cô Trâm, sản
phẩm nhận được phản hồi tích cực và được doanh nghiệp đầu tư khiến các
em phấn khởi và có động lực sáng tạo. "Nhóm đang cố gắng hướng tới mức
giá thành phẩm 2-5 triệu đồng", cô Trâm nói, cho biết tùy yêu cầu sử
dụng của nhà hàng, khách sạn, máy sẽ được thiết kế thêm tính năng.
Nam
cho hay nhóm chưa thực sự hài lòng với sản phẩm do thời gian chế tạo
hơi gấp. Lưỡi dao làm thủ công nên chưa sắc, mới cắt được rau, củ và
những sản phẩm hữu cơ; động cơ máy còn yếu.
"Nhóm sẽ xem lại thiết kế, từ từ nâng cấp máy để xử lý được các loại thức ăn đa dạng hơn", Nam nói