Thấy xe lăn chủ yếu dùng cần gạt, Toàn tìm cách
chế tạo xe điều khiển bằng giọng nói, cùng một cánh tay robot hỗ trợ, có
thể đo huyết áp, nhịp tim cho người khuyết tật.
Vũ Văn Toàn, sinh viên năm thứ tư ngành Công nghệ kỹ
thuật điều khiển và tự động hoá, Đại học Mở Hà Nội, cùng bốn bạn Quản
Thị Nhân, Phạm Trung Cương, Đoàn Hương Giang và Phan Thái Bảo, giành
giải nhì cuộc thi "Học sinh, Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp"
(SV_STARTUP 2023) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hôm 25/3.
Dự
án đạt giải mang tên "Smart Wheel Chair" - Xe lăn điện đa năng hỗ trợ
giám sát sức khoẻ cho người khuyết tật, được trưởng nhóm Toàn ấp ủ từ
lớp 11.
Khi còn là học sinh trường THPT Lạng Giang số 2,
Bắc Giang, Toàn biết một người chị mắc bệnh xương thuỷ tinh, di chuyển
rất khó khăn. Hình ảnh đó cùng những câu chuyện về các bác, các cô chịu
thiệt thòi do chất độc màu da cam ở quê cứ luẩn quẩn trong đầu Toàn. Em
chia sẻ với bố về mong muốn làm một chiếc xe lăn hỗ trợ người khuyết tật
và hai bố con bắt tay "thử chế tạo".
Được bố hỗ
trợ dựng khung chiếc xe lăn, Toàn tự mày mò để biến thành loại có thể
điều khiển tự động. Dù vậy, nam sinh không thể hoàn thành ý tưởng do
thiếu kiến thức.
Sau gần 4 năm ở đại học, với sự hỗ
trợ của thầy cô và sau này là các bạn, Toàn hoàn thiện dần chiếc xe lăn
điện tích hợp nhiều tính năng.
Quan sát trên thị
trường, những sản phẩm hiện đại nhất ở Việt Nam cũng chỉ điều khiển bằng
cần gạt. Toàn nảy ra ý tưởng phải làm một chiếc thuận tiện hơn với khả
năng điều khiển bằng giọng nói để phục vụ được người khuyết tật cả tay
và chân. Rồi em lại nghĩ "nếu có người vừa khuyết tật tay, chân, vừa
không thể nói thì sao". Nam sinh lại tiếp tục tính toán cách để điều
khiển xe lăn bằng cử chỉ đầu và qua app điện thoại, giúp người thân có
thể hỗ trợ.
Cách đây khoảng một năm, Toàn rủ các
bạn học cùng ngành ở Đại học Mở Hà Nội nghiên cứu và phát triển sản
phẩm. Nhóm khảo sát nhu cầu của nhiều người khuyết tật để đưa vào các
tính năng cần thiết.
Khi thi SV_STARTUP, chiếc xe lăn điện của
nhóm tích hợp được nhiều công nghệ. Xe có thể di chuyển với vận tốc 5-10
km/h, một lần sạc đi được 15-20 km. Người dùng điều khiển bằng giọng
nói, nút ấn, cử chỉ đầu và điện thoại thông minh.
Xe
còn có một cánh tay robot hỗ trợ sinh hoạt cơ bản qua một camera được
gắn trên xe; đồng thời đo được thân nhiệt, huyết áp, nhịp tim, nồng độ
oxy trong máu SPO2 giúp người sử dụng thường xuyên giám sát sức khoẻ.
"Những
tính năng này giúp chiếc xe lăn điện của chúng em khác biệt với sản
phẩm chỉ điều khiển bằng cần gạt đang có trên thị trường", Toàn nói.
Nam
sinh cho biết quá trình chế tạo sản phẩm, em cùng các bạn vận dụng
nhiều kiến thức và kỹ năng thực hành trong ngành Điện-Điện tử, từ việc
thiết kế và vận dụng một hệ thống, điều khiển, chế tạo robot, lập trình
ứng dụng.
Tính năng khó nhất với Toàn là điều khiển
xe lăn bằng giọng nói. Ở chế độ này, yêu cầu từ người dùng được xử lý
thông qua Google Assistant trước khi về vi điều khiển trung tâm. Quá
trình mất ba giây nên có thể không an toàn với người dùng nếu đưa ra yêu
cầu gấp.
"Nhiều thứ tạo ra không tối ưu như ý
tưởng ban đầu. Đôi khi gặp phải những lỗi rất nhỏ nhưng khiến cả hệ
thống không hoạt động. Mỗi lần như vậy, chúng em rất áp lực, thậm chí có
lúc muốn từ bỏ", Toàn chia sẻ.
Ngoài ra, nhóm gặp
nhiều khó khăn khi tìm linh kiện, có linh kiện phải đặt hàng từ nước
ngoài. Khi đi khảo sát, do chưa khéo léo, các thành viên trong nhóm
khiến một số người cảm thấy mặc cảm để rồi nhận được những phản hồi
không tích cực.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Hoàn, giảng viên
phụ trách công tác hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, Đại học Mở Hà Nội, cho
biết cả nhóm là sinh viên kỹ thuật nên ban đầu chỉ say sưa chế tạo mà
chưa quan tâm đến thị trường, gọi vốn, trong khi sản phẩm dự một cuộc
thi khởi nghiệp với hơn 500 dự án. Vì vậy, nhóm phải học hỏi thêm rất
nhiều kiến thức, kỹ năng mới.
Tuy nhiên, Toàn và
các bạn đã có bộ hồ sơ hoàn chỉnh, phần thuyết trình thuyết phục để đạt
giải nhì ở cuộc thi này. Theo thầy Hoàn, ban giám khảo đánh giá cao sản
phẩm về tính nhân văn và thực tiễn, nhận định dự án này tiềm năng nếu
được đầu tư.
Sau cuộc thi, Toàn và các bạn định tiếp tục
thử nghiệm, xin thêm ý kiến người dùng để hoàn thiện; sau đó xin cấp
bằng sáng chế. Nhóm cũng muốn phát triển thêm những công nghệ mới như AI
để phân tích dữ liệu và chỉ số sức khoẻ, phân tích sóng não; hay lắp
định vị GPS cho xe và theo dõi qua app điện thoại để các trung tâm phục
hồi chức năng dùng quản lý xe.
Hiện, một chiếc xe
lăn điện trên thị trường có giá 10-30 triệu đồng. Theo tính toán, sản
phẩm của nhóm Toàn sẽ có giá 8-16 triệu đồng.
"Khi
sản phẩm đủ điều kiện thương mại hóa, chúng em dự tính tạo ra nhiều phân
khúc. Chẳng hạn, khách hàng không cần chiếc xe có cánh tay robot, chúng
em sẽ loại bỏ phần này để giảm giá thành", Toàn nói, cho biết còn nghĩ
đến việc cho thuê sản phẩm