Sinh viên ầm ầm phản đối
Trên một số diễn đàn, nhiều sinh viên ầm ầm phản đối vì Trường ĐH Hà Nội (HANU) thông báo tăng học phí.
Cụ
thể, học phí năm học tới của Trường Đại học Hà Nội khoảng 720.000-1,74
triệu đồng/ tín chỉ. Tùy chương trình, sinh viên cần hoàn thành 145-152
tín chỉ để được công nhận tốt nghiệp.
So với năm ngoái (0,65-1,39 triệu đồng/ tín chỉ), học phí của Trường Đại học Hà Nội năm nay tăng 10-25%.
Với
mức học phí này, trung bình mỗi sinh viên mất khoảng 2,3-5,4 triệu đồng
học phí/tháng. Cùng với các sinh hoạt phí khác, mỗi tháng, một sinh
viên ngoại tỉnh mất tầm 6-10 triệu đồng. Đây là mức chi phí khá cao so
với mặt bằng chung.
Trước
thông tin này, nhiều sinh viên lo lắng vì cho rằng học phí trở thành
gánh nặng kinh tế lớn với bản thân và gia đình. Trên một số diễn đàn,
nhiều sinh viên than trời, cho rằng so với cam kết ban đầu của nhà
trường trong một video tuyển sinh, các em cảm giác như mình "bị lừa".
Thậm chí có em cho biết, mình còn nghĩ đến việc bỏ học vì gia đình phải
cố gắng trang trải.
"Để đặt bút chọn vào trường, em đã suy nghĩ về
vấn đề kinh tế của gia đình. Khi tuyển sinh, nhà trường cho rằng học
phí một khóa giữ nguyên nhưng thông tin tăng học phí, không giống thỏa
thuận ban đầu với người học khiến chúng em thất vọng.
Đồng ý nhà
trường tự chủ nhưng phải công bố rõ ràng với người học từ đầu, đặc biệt
chúng em thấy, việc tăng học phí không xứng đáng với cơ sở vật chất của
nhà trường", một sinh viên của ĐH Hà Nội chia sẻ.
Một độc giả khác
nói rằng, từ khi trường đại học tự chủ, việc tăng học phí không phải
mới mẻ. Nhưng nhìn mức học phí, thật ái ngại với phụ huynh bởi nếu ngay từ khi tuyển sinh, nếu biết mức học phí như vậy, nhiều em không theo học.
Theo một số sinh viên, sở dĩ các em thấy "bị lừa" bởi trên một video tư vấn tuyển sinh của nhà trường năm 2022, đại diện nhà trường cho biết không tăng học phí trong một khóa học.
Mặc dù vậy, tìm hiểu của phóng viên Dân trí,
tại Đề án tuyển sinh năm 2022 và 2023 được đăng tải công khai, nhà
trường nêu rõ, mức học phí được điều chỉnh theo từng năm học và theo lộ
trình điều chỉnh học phí của Chính phủ, tùy thuộc tình hình thực tế với
mức tăng không quá 15%/năm (theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ).
Vì sao trường tăng học phí?
Trả lời phóng viên Dân trí
về vấn đề tăng học phí trên đây, bà Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu
trưởng nhà trường, cho biết đối với các khóa 2020 và 2021, học phí được
giữ nguyên trong 4 năm học nhưng từ khóa 2022 trở đi, học phí được điều
chỉnh theo lộ trình, tuân thủ các quy định của Nhà nước như Nghị định số
81/2021/NĐ-CP và mới đây là Nghị định 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Bắt đầu
từ khóa 2022, trong đề án tuyển sinh cũng như quy định về học phí hình
thức đào tạo chính quy trình độ đại học công bố trên website của nhà
trường, lộ trình điều chỉnh học phí được ghi rõ tăng không quá 15% và
theo đúng quy định.
Năm học 2024, học phí của Trường Đại học Hà
Nội tăng 9-11% tùy theo ngành học so với năm học 2023. Học phí đạt 72%
so với mức trần của Nghị định 97 và mức điều chỉnh không vượt quá 15%
như đã thông tin trong đề án tuyển sinh và quy định học phí các năm.
Cụ
thể, năm học 2024, học phí các ngành ngôn ngữ trung bình khoảng 27
triệu đồng/năm, học phí các chuyên ngành dạy bằng tiếng Anh hoặc tiếng
Pháp trung bình khoảng 30 triệu đồng/năm, học phí các chương trình tiên
tiến trung bình khoảng 45 triệu đồng/năm.
Học phí của từng học kỳ
hoặc từng năm học phụ thuộc vào số tín chỉ mà từng sinh viên đăng ký
theo kỳ học nên con số cung cấp phía trên chỉ có con số ước tính trung
bình.
Về việc trong video tuyển sinh, nhà trường cho rằng không
tăng học phí, phó hiệu trưởng nhà trường cho rằng, trong giai đoạn quay
video tư vấn này thời điểm năm 2022, lúc đó nhà trường chưa công bố đề
án tuyển sinh.
Nhà trường cũng khẳng định, cơ sở vật chất ở đây
không quá tệ như sinh viên kêu ca trên diễn đàn bởi đơn vị này đã đầu tư
mới nhiều trang thiết bị, phòng ốc.
Lý giải thêm về việc tăng
học phí, Phó Hiệu trưởng Đại học Hà Nội cho biết, HANU là trường tự chủ
nhóm 1, tức tự chủ toàn phần kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư.
Với
cơ chế tự chủ này, nhà trường không còn nhận kinh phí cấp từ ngân sách
nhà nước và phải tự đảm bảo hoàn toàn các khoản chi cho lương cho toàn
bộ nhân sự, chi phí hoạt động vận hành, đầu tư phòng học, phòng máy,
thiết bị, học liệu…
Nguồn thu chính của nhà trường là học phí (khoảng 65-70% tổng thu), phần còn lại đến từ các nguồn thu hợp pháp khác.
Trong bối cảnh tự chủ, học phí sẽ cần có một lộ trình tăng dần để đảm bảo cân đối thu - chi và đầu tư phát triển.
Khi
học phí tăng, cơ sở vật chất của nhà trường được cải tạo, nâng cấp và
xây mới hằng năm, đầu tư thu hút giảng viên có trình độ cao. Để thực
hiện được chiến lược phát triển này, nhà trường cần có kinh phí và nguồn
kinh phí này sẽ đến từ học phí và từ các nguồn thu hợp pháp khác.