Đó
là vấn đề được một sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia
TPHCM) đặt ra tại chương trình bài giảng đại chúng về lĩnh vực AI do
Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Deakin (Australia) tổ chức với hơn 800
giảng viên, sinh viên tham gia.
Nam
sinh này cho hay, giờ đây đi xin việc làm, AI trở thành công cụ hỗ trợ
đắc lực cho quá trình hoàn thiện hồ sơ, kết nối, xử lý dữ liệu.
Tuy
nhiên, đi cùng đó, vấn đề làm sinh viên này lo lắng là "kẻ giúp việc"
mang tên AI này có thể lại chính là đối thủ của sinh viên ra trường
trong cơ hội tìm kiếm việc làm.
Các
bạn phải đối mặt với nguy cơ thực tế bị văng ra khỏi thị trường lao
động khi nhiều vị trí việc làm, nhiều ngành nghề đang dần bị AI thay
thế.
GS Trần Thế Tuyền, Đại học Deakin kể hồi ông ra nước ngoài
học tập, khi việc sử dụng ngôn ngữ bản địa khó khăn, ông nhờ đến những
người làm nghề viết hoàn thiện bài viết giúp mình. Sau này có AI thì
không cần đến những người làm công việc này nữa.
Là một người
thầy, GS Trần Thế Tuyền cho hay chính ông cũng tự hỏi giờ đây, khi đứng
trên bục giảng liệu sinh viên có cần tìm đến mình nữa hay không khi các
em đã có thể học, hỏi từ AI. Bởi vậy, ông luôn đặt cho mình câu hỏi
người thầy dạy sinh viên cái gì, dạy như thế nào.
Tuy nhiên, theo GS Trần Thế Tuyền không thể phủ nhận hàng loạt lĩnh vực đang được hưởng lợi từ AI, tạo ra nhiều cơ hội việc làm trên toàn cầu khác không còn giới hạn bởi khoảng cách, biên giới.
Ngay
trong bài giảng của mình về AI thúc đẩy khám phá khoa học, GS Sunil
Gupta, Đại học Deakin giới thiệu các bước tiến đáng kể của AI trong việc
giải quyết các thách thức trong thực tế như ra quyết định tự động, thị
giác máy tính và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Ông
khẳng định với tiềm năng to lớn của mình, AI có triển vọng cách mạng
hóa các lĩnh vực khoa học, lĩnh vực chìa khóa cho sự sống còn và tiến bộ
của loài người.
Trước câu hỏi cụ thể của sinh viên Việt về sự
thay thế của AI trong vấn đề việc làm, GS Sunil Gupta nêu quan điểm AI
giúp cuộc sống của con người thuận lợi, nâng cấp cuộc sống lên chuẩn cao
hơn thông qua việc bớt đi những thao tác thủ công.
Một lượng lớn
công việc đã và sẽ tiếp tục bị thay thế vì AI nhưng đi cùng đó cũng sẽ
có một lượng lớn công việc tương ứng sẽ ra đời đòi hỏi nguồn nhân lực
chất lượng cao, nhân sự thật sự giỏi để thực hiện.
"AI chỉ sàng
lọc chứ không phải là đuổi việc, lấy mất việc của chúng ta. AI sẽ đe dọa
công việc của những ai chúng có thể đe dọa, đó là những ai không tự
nâng cấp bản thân chứ AI không khiến chúng ta thất nghiệp hay mất việc",
GS Sunil Gupta nhấn mạnh.
Vị giáo sư cũng nói thêm, một số lĩnh
vực đòi hỏi sự chính xác có thể sẽ thuộc về AI nhưng nhóm lĩnh vực về sự
thấu hiểu vẫn là thế mạnh của con người. Một vài nhóm công việc không
thể mất đi khi nó đòi hỏi sự linh hoạt, điều chỉnh của con người.
Dịp
này, Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Deakin ký kết biên bản hợp tác
chiến lược nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đào tạo về AI.
PGS.TS
Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết trường đang đẩy
mạnh phát triển các chương trình nghiên cứu liên ngành, đặc biệt trong
lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo hướng đến mục tiêu
trở thành trung tâm hàng đầu về nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo
của cả nước và khu vực.
Thời gian tới, hai đại học thống nhất đẩy
mạnh phát triển các dự án nghiên cứu chung trong lĩnh vực AI và công
nghệ thông tin, đặc biệt nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI trong giải
quyết các vấn đề lớn của ngành y tế, nông nghiệp, quản lý hành chính
công, xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam.