Chỉ đạo từ Sở GD&ĐT Hà Nội
Chiều
ngày 26/4, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho
biết đã ký công văn rà soát, kiểm tra hiện tượng vận động học sinh không
tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã nhận thông tin dư luận xã hội phản ánh tại một số cơ sở giáo dục
trên địa bàn có hiện tượng giáo viên định hướng cho một số học sinh lớp
9 có kết quả học tập năm học 2022-2023 chưa cao không đăng ký dự kỳ thi
tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT năm học 2023-2024.
Về việc
này, Sở GD&ĐT có ý kiến như sau: Yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT các
quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm (nếu có
tình trạng nêu trên); đồng thời quán triệt, chỉ đạo văn bản tới tất cả
các trường THCS trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền
học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường
THPT năm học 2023-2023 và các năm tiếp theo (nếu có).
Việc học tập
và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu
của học sinh và cha mẹ học sinh. Công tác phân luồng sau cấp
THCS, các nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn
phù hợp, không mang tính ép buộc. Các trưởng Phòng GD&ĐT các quận,
huyện, thị xã và hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn phải chịu
trách nhiệm trước Sở GD&ĐT, UBND nếu xảy ra hiện tượng trên và kịp thời tổng hợp, báo cáo bằng văn bản về Sở trước 15h ngày 28/4/2023.
Phụ huynh bất bình vì giáo viên "khuyên" con không thi lớp 10
Trao đổi với phóng viên Dân trí,
anh Dũng (có con học lớp 9 tại một trường THCS trên địa bàn Quận Thanh
Xuân, Hà Nội) cho biết, con anh cùng 8 bạn khác trong lớp nhận được "lời
khuyên" từ giáo viên chủ nhiệm không nên thi vào lớp 10 công lập.
Cô
giáo cho rằng học lực của các con không thể tiến bộ, không thể thi đỗ
lớp 10 công lập, vì vậy phụ huynh không nên cho con đăng ký dự thi.
Tại
buổi họp phụ huynh vào ngày 22/4, cô giáo nhắc đi nhắc lại nhiều lần
rằng, không nhất thiết phải có bằng cấp thì sau này mới thành đạt. Sau
khi mời 9 phụ huynh ở lại, cô tiếp tục nói về vấn đề các con không thể
thi được, điều tốt nhất cho các con là không thi.
Nếu vẫn đăng ký dự thi thì nhà trường sẽ không "nâng đỡ" và "trả lại điểm thi thật" của các con.
"Cô
giáo tư vấn cho học sinh định hướng nghề là đúng nhưng phải tùy theo
từng trường hợp. Phụ huynh thấy con không có chữ nào trong đầu thì tự
khắc sẽ tự tìm đến học nghề.
Còn con tôi cố gắng học mỗi ngày với
nguyện vọng được những ngôi trường gần nhà và điểm số không "có gì ghê
gớm" để đến mức các cô "cấm" cho thi. Ngoài ra, tôi cũng có phương án dự
phòng cho con. Hãy để cho các con được thử sức mình", phụ huynh chia sẻ
với truyền thông.
Tương tự, chị L.H.H. có con học lớp 9 trên địa
bàn Quận Cầu Giấy, Hà Nội kể rằng, năm nào chị cũng nghe qua câu chuyện
nhà trường, giáo viên "khuyên" học sinh không thi vào cấp 3. Song, phụ
huynh này chưa từng nghĩ sẽ có ngày con mình nằm trong danh sách này.
Chị
thắc mắc: "Tại sao lại không cho các con thi trong khi các con có quyền
được thử sức và cố gắng? Nếu nói vì lực học trung bình hay kém chút mà
khuyên can không nên thi vào lớp 10 công lập thì không lẽ đây là cuộc
thi chọn học sinh khá, giỏi? Có chăng vì nhà trường đang chạy theo thành
tích "100% học sinh đỗ cấp 3" mà bỏ rơi những em học chưa được tốt?".
Theo
chị H., học lực của con chị ở mức trung bình, nhưng bản thân con luôn
cố gắng mỗi ngày và nêu cao quyết tâm thi vào lớp 10.
"Nhà tôi
không khá giả gì. Ngay cả đi học thêm, cô giáo dạy thêm thương nên cũng
lấy học phí rất ít. Giờ đơn không thi vào lớp 10 con đã viết, bố mẹ phải
ký khiến tôi mông lung vô cùng. Tôi không biết cho con vào học trường
nào. Từ hôm viết đơn đến nay, con buồn không có động lực học nữa", chị
H. rớm nước mắt kể lại.
Hiện tại, chị H. đang phải tìm hiểu xem có
trường dân lập nào học phí vừa sức với gia đình để cho con theo học.
"Gia đình chỉ biết động viên con cố gắng học tốt ở trường cấp 3, tương
lai của con vẫn còn rộng mở ở phía trước. Mặc dù phải mạnh mẽ để là chỗ
dựa cho con lúc này nhưng chính chị cũng hết sức bức xúc.