17
tỉnh thành trên cả nước đã tổ chức kỳ thi vào lớp 10 công lập năm 2024.
Điểm chung của đề thi ở các tỉnh là nội dung kiến thức cơ bản trong
chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Với
môn ngữ văn, các tỉnh đều bám sát sách giáo khoa lớp 9 với yêu cầu cơ
bản, không thách đố. Cấu trúc phổ biến của đề thi gồm hai phần: đọc hiểu
và làm văn. Trong đó, phần làm văn gồm nghị luận xã hội và nghị luận
văn học.
Cá biệt tỉnh Phú Yên thi theo cấu trúc riêng. Phần nghị
luận văn học không có. Chỉ có câu nghị luận xã hội chiếm 4 điểm. Phần 6
điểm có dạng trắc nghiệm theo thể thức chọn 1 đáp án đúng.
Tính
đến thời điểm hiện tại, tác phẩm văn học được lựa chọn nhiều nhất là
"Lặng lẽ Sa Pa" với yêu cầu cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật anh thanh
niên. Có ba tỉnh đã chọn tác phẩm này trong đề thi môn ngữ văn vào lớp
10 gồm: Vĩnh Phúc, Hải Dương và Yên Bái.
Tác phẩm "Viếng lăng Bác" vào đề thi lớp 10 môn ngữ văn của tỉnh Lai Châu và Quảng Trị.
Tác phẩm "Mùa xuân nho nhỏ" vào đề thi lớp 10 môn ngữ văn của tỉnh Quảng Ninh và Ninh Thuận.
Tác phẩm "Sang thu" vào đề thi lớp 10 môn ngữ văn của tỉnh Sóc Trăng và Kon Tum.
Tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" vào đề thi lớp 10 môn ngữ văn của tỉnh Sơn La và Thừa Thiên - Huế.
Tác phẩm "Làng" vào đề thi lớp 10 môn ngữ văn của tỉnh Bạc Liêu và Tuyên Quang.
Với
nội dung nghị luận xã hội, chủ đề được đưa ra gần gũi, giản dị, phù hợp
với lứa tuổi 14, 15 như: vai trò của tình cảm gia đình, ý nghĩa của
tinh thần lạc quan, ý nghĩa của tình yêu thương con người, ý nghĩa của
việc đọc sách...
Đáng chú ý, hai tỉnh Tuyên Quang và Phú Yên trùng
nội dung nghị luận xã hội khi cùng đưa ra yêu cầu bàn luận về ý nghĩa
của những điều bình dị.
Trình bày ý nghĩa của việc biết ước mơ,
khát vọng cũng xuất hiện trong đề thi lớp 10 môn ngữ văn của tỉnh Kon
Tum, Ninh Thuận và Sơn La.
Kỳ thi lớp 10 công lập năm nay là kỳ thi cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Kể từ năm 2025, thí sinh sẽ thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.