Hiện nay, các trường học trên địa
bàn huyện Đồng Văn (Hà Giang) đang nỗ lực khắc phục khó khăn trong việc
dạy học các môn tích hợp.
|
Khắc phục khó khăn trong giảng dạy các môn tích hợp. Ảnh minh hoạ |
Khó khăn khi dạy môn tích hợp ở vùng cao
Tích hợp liên môn, là một điểm mới trong
Chương trình GDPT 2018, đã bắt đầu được áp dụng từ năm học 2021-2022,
hướng tới giúp học sinh giảm tải, phát triển khả năng tổng hợp, phát huy
được năng lực của học sinh trong việc lĩnh hội và vận dụng kiến thức
vào cuộc sống hàng ngày.
Năm học 2023 - 2024 là năm học thứ 3 các
trường THCS áp dụng dạy và học các môn tích hợp. Tuy nhiên, việc bố trí
giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học vẫn luôn là bài toán khó, nhất là
đối với các trường vùng sâu, vùng xa.
Từ thực tế hiện nay, phần đông các
trường học trên địa bàn huyện Đồng Văn đều đưa ra giải pháp nhiều giáo
viên dạy môn tích hợp và đây cũng là cách sắp xếp hợp lý trong hoàn cảnh
hiện tại, khi các giáo viên dạy đơn môn chưa kịp học thêm hay bồi dưỡng
thêm về dạy tích hợp.
Cô Ly Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường THCS
Đồng Văn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) cho biết: “Năm nay là năm thứ 3
nhà trường triển khai dạy học theo chương trình GDPT 2018. Qua quá
trình dạy và học theo Chương trình mới nhà trường nhận thấy đây là điều
kiện để giáo viên tìm tòi, phát huy các phương pháp, kỹ thuật dạy học
hiện đại.
Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình
GDPT 2018 cũng gặp những khó khăn nhất định như: Việc tích hợp các môn
Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội còn bất cập khi các thầy cô giáo
trong trường đều là đơn môn, không có thầy cô giáo nào được học đầy đủ
tất cả các môn tích hợp cả, nhà trường phải phân công mỗi giáo viên đảm
nhiệm 1 phần kiến thức trong môn tích hợp để đảm bảo truyền tải đến học
sinh.
Bên cạnh đó, sách giáo khoa môn tích hợp
vẫn được biên soạn theo những phân môn độc lập riêng biệt, không mang
tính tích hợp về nội dung. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều thầy cô
giáo cùng dạy một quyển sách và cùng chấm một bài khi kiểm tra, phân
chia thời khóa biểu. Giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên
dạy tích hợp cũng chưa thật sự hiệu quả.
“Ngoài ra, việc áp dụng dạy và học các
môn tích hợp trong nhà trường còn gặp nhiều khó khăn hơn do chủ yếu tỷ
lệ học sinh ở đây là người dân tộc thiểu số, khả năng nhận thức cũng là
một trong những cản trở, cho nên kiến thức để học sinh tiếp thu được là
rất khó. Cùng với đó, nhà trường còn thiếu giáo viên, các thầy cô hầu
như phải làm thêm giờ. Vì vậy, nhà trường cũng đang cố gắng tạo mọi điều
kiện cho giáo viên hoàn thành nhiệm vụ” - cô Tuyết cho biết thêm.
Gỡ khó cho dạy học tích hợp ở vùng cao
Thầy Hoàng Kim Thuật, giáo viên trường
THCS Đồng Văn chia sẻ: “Hiện nhà trường vẫn đang phân công cho 3 giáo
viên khác nhau đảm nhận môn Khoa học tự nhiên. Với hình thức này, giáo
viên có điều kiện dạy chuyên sâu từng môn học theo đúng chuyên môn được
đào tạo nhưng thời khóa biểu của trường phải thay đổi liên tục để phù
hợp với chương trình và giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức”.
Cô Vừ Thị Xay, giáo viên trường THCS
Đồng Văn chia sẻ: Tôi được nhà trường phân công dạy môn Lịch sử - Địa
lý, trong quá trình dạy tôi cũng gặp nhiều khó khăn bởi đặc thù của 2
môn đều có nhiều điểm khác biệt. Theo tôi hiểu, tích hợp là dạy theo
từng chủ đề, nội dung nào có sự trùng lặp sẽ tích hợp lại, vừa giảm tải
kiến thức, vừa giúp học sinh có cái nhìn tổng thể. Lý thuyết là vậy
nhưng thực tế triển khai phát sinh nhiều vấn đề khó khăn.
|
Một tiết học của cô và trò trường THCS Đồng Văn, huyện Đồng Văn, Hà Giang.
|
Khó nhất là mỗi tiết học hiện nay chỉ
kéo dài 45 phút, giáo viên chỉ kịp truyền thụ phần kiến thức, chưa liên
hệ được phần kiến thức liên môn, kiến thức bổ trợ thì đã hết giờ. Bên
cạnh đó, giáo viên còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài
liệu tham khảo để ứng dụng trong quá trình soạn giáo án, lên lớp. Để gỡ
khó trong dạy học môn tích hợp, cô Xay cho rằng, mỗi thầy cô giáo phải
thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy, phải nắm rõ chương trình, mục
tiêu, chuẩn đầu ra của môn học.
Cô giáo Ly Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường
THCS Đồng Văn cho biết: Để gỡ khó cho việc triển khai các môn tích hợp,
cần phải quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Do đó, nhà
trường đã xác định cụ thể lộ trình đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện
cho giáo viên tự bồi dưỡng để có vốn tri thức rộng, khả năng vận dụng
tổng hợp kiến thức các môn học liên quan.
Theo lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Đồng
Văn chia sẻ: Ngay khi có chương trình dạy học tích hợp, Phòng đã tổ
chức cho một số trường học trên địa bàn nghiên cứu, dạy thử để đánh giá
những thuận lợi, vướng mắc khi triển chương trình vào thực tế. Nhưng từ
quá trình triển khai cho thấy vấn đề lớn nhất mà Phòng GD&ĐT huyện
gặp phải chính là thiếu giáo viên dạy môn tích hợp.
Để gỡ khó cho việc triển khai các môn
tích hợp, phòng GD&ĐT đã tham mưu với huyện tiếp tục tuyển dụng thêm
giáo viên. Ngoài ra, Phòng GD&ĐT huyện Đồng Văn còn tổ chức các
buổi sinh hoạt tổ chuyên môn cho giáo viên, để chia sẻ kinh nghiệm,
phương pháp giảng dạy môn tích hợp nhằm giúp các thầy cô và nhà trường
tháo gỡ những khó khăn mà đơn vị mình gặp phải và có giải pháp nâng cao
chất lượng cho môn học này.