16 năm trồng người, 10 năm "gieo duyên lành"
Thầy
giáo Nguyễn Hoàng Nam (38 tuổi, quê huyện Phụng Hiệp) không chỉ có hơn
16 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người mà còn nhiều năm rong ruổi trên
con đường làm thiện nguyện.
Ngoài thời gian lên lớp, anh Nam không
ngừng kết nối các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, đi thực tế để giúp đỡ
những mảnh đời, những hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, nghèo khổ. Đặc biệt,
là những em học sinh mồ côi cha mẹ, khó khăn trong học tập.
Khi đã xác nhận rõ những trường hợp đó, anh Nam sẽ viết bài đăng lên các trang mạng xã hội để bạn bè và người thân cùng chung tay giúp đỡ.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí,
thầy giáo U40 cho biết, bản thân sinh ra trong gia đình có 4 người con,
cha anh cũng là giáo viên nên anh nối gót theo nghiệp cha.
Học
xong cấp 3, năm 2004, anh Nam thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Cần
Thơ, chuyên ngành địa lý. Tại đây, anh ở kí túc xá trong trường, mỗi
tháng về thăm nhà một hoặc 2 lần bằng xe buýt. Trong những năm sinh
viên, Nam đều nhận được học bổng nhờ kết quả học tập luôn khá, giỏi.
Tốt
nghiệp xong, anh Nam về quê, từ đó đến nay công tác tại Trường THCS
Long Thạnh. Cũng chính nghề "gõ đầu trẻ" giúp anh tiếp xúc được nhiều
hoàn cảnh khó khăn, trong đó nhiều em phải bỏ học giữa chừng.
Nhớ
lại những tháng ngày cơ cực trong quá khứ, anh tự nhủ bản thân phải giúp
đỡ học trò. Và không biết từ lúc nào, anh lại coi việc giúp đỡ mọi
người là trách nhiệm bản thân.
"Hồi xưa dưới quê đường sá khó đi
lại nên nhiều gia đình có con đi học đến cấp 2 đã cho nghỉ học để đi làm
thuê kiếm sống. Sau này, tôi đi dạy có cơ hội tiếp xúc nhiều trường
hợp, tôi cũng sợ các em vì nghèo khó mà phải bỏ học. Đó là lý do khiến
tôi dành hết tâm sức cho việc từ thiện của mình", thầy giáo Nam trải
lòng.
Năm
2015, anh bắt đầu kết nối giúp đỡ cho các hoạt động tặng học bổng, xe
đạp, quần áo cũ cho học sinh trong trường. Những mạnh thường quân ban
đầu của anh Nam là người thân, họ hàng hoặc xóm giềng.
Nghĩa cử
cao đẹp, hành động ý nghĩa, chính vì thế, thầy giáo Nam có điều kiện
tiếp xúc với nhiều người làm nhiều lĩnh vực trong xã hội như cán bộ nhà
nước, phóng viên, hội - nhóm từ thiện. Đối tượng giúp đỡ được mở rộng
hơn, ngoài học sinh còn là người già neo đơn, bệnh tật thậm chí anh còn
hỗ trợ cất nhà, mai táng miễn phí...
"Khi nhận được thông tin hoàn
cảnh nào tôi phải đến xác minh ít nhất 2 lần. Nếu xác nhận đúng các yêu
cầu mà mạnh thường quân hướng đến tôi mới viết bài trên trang cá nhân
kêu gọi giúp đỡ. Cũng vì thế mà bao năm qua, hàng trăm hoàn cảnh cũng
không xảy ra tình trạng giúp nhầm", anh Nam bày tỏ.
"Cuộc đời này ngắn lắm, giúp được ai thì chúng ta cứ giúp hết mình"
Tuy
địa hình không phải miền đảo hay vùng núi, nhưng các hoàn cảnh anh Nam
tìm tới đều ở vùng sâu, vùng xa, đi lại còn khó khăn, thậm chí phải đổi
qua nhiều phương tiện từ xe máy, đi xuồng và cuốc bộ mới đến được nơi.
"Tôi
đi trao quà hay khảo sát cất nhà cho bà con đều đích thân đi. Một phần
vì muốn đảm bảo hoàn cảnh được giúp là xứng đáng, phần khác để mạnh
thường quân yên tâm vì tiền bạc họ bỏ ra được đúng người, đúng chỗ",
thầy giáo gốc Hậu Giang tâm sự.
Nhờ sự tâm huyết, trong những năm
qua, mỗi lần tổ chức thiện nguyện, thầy Hoàng Nam đã được đông đảo đồng
nghiệp, học sinh và các nhà hảo tâm ủng hộ bằng tinh thần và vật chất
để có được những món quà giúp đỡ người nghèo. Đặc biệt, gia đình và nhà
trường nơi thầy công tác rất ủng hộ việc làm của thầy vì đó là những việc làm có ý nghĩa đối với cuộc sống.
Một
chặng đường dài gắn bó từ thiện, anh Nam chẳng đếm hết số hoàn cảnh
mình làm cầu nối giúp đỡ. Ngoài địa bàn Hậu Giang, anh còn hỗ trợ trao
quà, học bổng, cất nhà từ thiện, mai táng cho nhiều trường hợp tại Sóc
Trăng, Cần Thơ...
Rất nhiều hoàn cảnh được thầy Nam kết nối đã có
cuộc sống sung túc. Đặc biệt, thời gian qua thầy Nam còn là cầu nối giới
thiệu nhiều mảnh đời bất hạnh để báo Dân trí viết bài gây quỹ. Khi thăm lại các nhân vật được giúp đỡ, anh không khỏi vui mừng vì họ như có cuộc sống mới.
"Như trường hợp anh Lê Thanh Tân ở huyện Phụng Hiệp bị bỏng hơn 90% được báo Dân trí và mạnh thường quân giúp đỡ vào tháng 9/2022, đến nay anh này đã khỏe mạnh, vết thương lành lặn nhiều.
Hay chú Tấn ở huyện Châu Thành A bị tai nạn vỡ hộp sọ, nhờ số tiền bạn đọc Dân trí
ủng hộ mà chú có chi phí phẫu thuật lắp não. Đến nay, sức khỏe chú Tấn
cải thiện nhiều, có thể đi lại trong nhà", anh Nam kể với phóng viên một
số hoàn cảnh do anh làm cầu nối.
Được biết, đồng lương chưa tới
10 triệu đồng cũng chính là chi phí để thầy Nam lặn lội băng đồng, vượt
sông gặp các hoàn cảnh để "gieo duyên lành". Gặp những hoàn cảnh thương
tâm, anh tự móc tiền túi mua ít gạo, kèm phong bì vài trăm nghìn đồng để
động viên các hoàn cảnh.
Sau những buổi dạy trên lớp và những
chuyến thiện nguyện dài ngày, thầy không cho phép mình nghỉ ngơi mà tiếp
tục khảo sát, tìm hiểu để kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của những tấm
lòng nhân ái.
Người thầy giáo 8X tâm niệm rằng: "Cuộc đời này ngắn lắm, giúp được ai thì chúng ta cứ giúp hết mình".
Thầy
Nguyễn Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Long Thạnh cho biết, ông
đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến của thầy giáo Nam trong công tác
thiện nguyện, bao năm qua, thầy Nam đã giúp đỡ cho nhiều em học sinh có
hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn vật chất đến trường.