Nhiều phụ huynh
bày tỏ lo lắng khi nhìn vào tỷ lệ chọi, đánh giá về sự "xuống dốc" của
các trường có tỷ lệ chọi thấp hoặc "lên ngôi" của những trường có tỷ lệ
chọi cao.
Tuy nhiên, một số thầy cô cho
rằng tỷ lệ chọi chỉ để thí sinh tham khảo, không phản ánh được chất
lượng thí sinh cũng như không quyết định được điểm chuẩn. "Cần nhìn vào
bản chất của con số tỷ lệ chọi. Điểm chuẩn của một trường phụ thuộc vào
nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng hồ sơ dự tuyển, mặt bằng chất lượng
thí sinh dự tuyển. Phụ huynh và học sinh không nên lo lắng quá khi tỷ
lệ chọi cao và cũng không nên chủ quan khi tỷ lệ chọi thấp", ông Lê
Trung Tín - Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long nêu quan điểm.
Đồng
quan điểm, bà Nguyễn Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Đình cũng cho
rằng: "Tỷ lệ chọi chỉ là một trong những kênh thông tin để tham khảo chứ
không phải yếu tố để quyết định chất lượng cũng như điểm chuẩn của mỗi
trường. Số lượng học sinh đăng ký vào trường theo từng năm học được chi
phối bởi các yếu tố khác nhau như tỷ lệ chọi và điểm chuẩn của năm học
trước, cơ sở vật chất, tỷ lệ đỗ đại học, các thành tích khác của nhà
trường... Bên cạnh đó không thể không nói đến sự biến động dân cư.
Trường
THPT Mỹ Đình nằm trong khu vực dân cư rất đông. Sự tăng dân số cơ học
cùng vị trí trung tâm của trường khiến lượng hồ sơ dự tuyển mấy năm qua
tăng vọt".
Theo
số liệu được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố, tỷ lệ chọi vào lớp 10 năm nay
có nhiều biến động so với các năm trước. Theo đó, dẫn đầu tỷ lệ chọi là
Trường Tiểu học, THCS và THPT Khương Hạ, một ngôi trường mới bước sang
năm tuyển sinh thứ ba với 1/3,55.
Xếp
sau lần lượt là các trường: THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây, THPT Kim
Liên, THPT Nguyễn Văn Cừ, THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông), THPT Trung Văn,
THPT Cầu Giấy, THPT Yên Hòa và THPT Phan Đình Phùng.
Trường
hợp được nhắc đến nhiều nhất là Trường THPT Thăng Long lọt top 3 trường
có tỷ lệ chọi thấp nhất Hà Nội với 1,27, tỷ lệ đỗ lên đến 78,85%.
Tỷ
lệ chọi là tỷ lệ giữa số lượng hồ sơ đăng ký vào một trường và số chỉ
tiêu mà trường đó có. Chỉ tiêu tuyển sinh thường cố định qua các năm,
còn số lượng hồ sơ thì biến động.
Khi
làm hồ sơ đăng ký dự tuyển, phụ huynh thường căn cứ vào ba yếu tố:
nguyện vọng của gia đình, điểm chuẩn của các trường những năm học trước
và năng lực của con em mình. "Để đảm bảo khả năng đỗ lớp 10, phụ huynh
có tâm lý sẽ chọn trường có điểm chuẩn năm trước thấp hơn so với các
trường trong cùng thứ hạng. Đó là lý do mà những trường có điểm chuẩn
cao vào năm trước thường sẽ có tỷ lệ chọi thấp hơn vào năm sau. Ngược
lại, những trường lấy điểm chuẩn thấp vào năm trước thường sẽ có tỷ lệ
chọi cao hơn vào năm sau", bà Nguyễn Thu Hà phân tích.
Năm ngoái, Trường THPT Yên Hòa dẫn đầu tỷ lệ chọi với 1/3,03, điểm chuẩn là 42,25. Năm nay, tỷ lệ chọi của trường chỉ còn 2,29.
Trương
tự, Trường Tiểu học, THCS và THPT Khương Hạ đứng thứ 7 về tỷ lệ chọi
năm 2022, điểm chuẩn 34,5. Mức điểm chuẩn này là một trong những lý do
khiến lượng hồ sơ đổ về trường năm nay tăng vọt.
Chính
vì thế, tỷ lệ chọi chỉ có giá trị so sánh giữa các trường trong cùng
thứ hạng. Không thể so sánh chất lượng hay sức hấp dẫn của một trường
top đầu có tỷ lệ chọi thấp với một trường top dưới có tỷ lệ chọi cao.
Đồng
thời, tỷ lệ chọi chỉ có giá trị đánh giá sức hút của một trường tăng
hay giảm khi nó giữ mức ổn định trong nhiều kỳ liên tiếp.
5
năm trở lại đây, Trường THPT Thăng Long luôn thuộc top đầu về điểm
chuẩn, trung bình trên 8 điểm/môn, trừ trường hợp đặc biệt của năm 2019.
Song, tỷ lệ chọi vào trường ở mức thấp. Nếu so sánh với các trường cùng
thứ hạng ở các khu vực tuyển sinh lân cận như THPT Phan Đình Phùng,
THPT Kim Liên, THPT Việt Đức, có thể thấy sức hút của trường Thăng Long
không còn lớn như từ năm 2017 đổ về trước.
Bảng so sánh điểm chuẩn giữa Trường THPT Thăng Long với Trường THPT Phan Đình Phùng và Trường THPT Kim Liên từ năm 2015 - 2022:
Trường THPT |
2015 |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
2021 |
2022 |
Thăng Long |
53,5 |
53 |
52,5 |
49,5 |
30 |
40,5 |
48,25 |
41,5 |
Kim Liên |
53,5 |
52,5 |
53 |
50,5 |
46,25 |
41,5 |
50,25 |
41,25 |
Phan Đình Phùng |
52 |
52,5 |
51,5 |
50,5 |
46,25 |
40,5 |
49,1 |
42 |
Tuy
vậy, cần nhiều yếu tố đối sánh khác để đánh giá được mức độ cạnh tranh
giữa các trường. Trong đó, ngoài yếu tố đầu vào như điểm chuẩn, tỷ lệ
chọi, còn phải xét đến yếu tố đầu ra như tỷ lệ đỗ đại học, tỷ lệ đỗ đại
học các trường top đầu, các thành tích, giải thưởng của học sinh…
Hiệu
trưởng Trường THPT Mỹ Đình đưa ra lời khuyên với phụ huynh và học sinh
đang chuẩn bị thi lớp 10: "Khi phụ huynh đặt bút ký vào đơn dự tuyển của
con, họ đã cân nhắc rất kỹ nhiều yếu tố, đặc biệt là năng lực học tập
của con. Do đó, các học sinh không nên quá quan tâm và lo lắng về tỷ lệ
chọi. Các em chỉ cần tập trung ôn tập, chuẩn bị tốt kiến thức và kỹ năng
để làm bài, sắp xếp thời gian khoa học giữa học tập và nghỉ ngơi. Đó
nên là điều quan tâm được ưu tiên trong chặng nước rút này".
Theo
danh sách Hà Nội công bố, kỳ thi vào lớp 10 THPT năm nay có 104.917 thí
sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường công lập không chuyên, giảm
1.669 thí sinh so với năm học 2022-2023. Chỉ tiêu tuyển sinh toàn thành
phố ở nhóm trường công lập không chuyên là 69.805, tăng 785 chỉ tiêu so
với năm học 2022-2023.
Như vậy, tỷ lệ chọi của năm nay là 1/1,5. Sẽ có khoảng 35.000 học sinh không được học công lập.
Kỳ
thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội năm học 2023-2024 diễn ra từ ngày
10-11/6 với 3 môn thi lần lượt là: toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Trong đó
môn toán và ngữ văn có thời gian làm bài 120 phút, chấm theo thang điểm
10, nhân hệ số 2. Môn ngoại ngữ có thời gian làm bài 60 phút, chấm theo
thang điểm 10, hệ số 1. Các thí sinh được chọn một trong các thứ tiếng:
Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn, đồng thời được đăng ký thi ngoại ngữ khác với
thứ tiếng đang học tại trường THCS