Chênh lệch 3 điểm thi giữa xét học bạ và tốt nghiệp THPT
60%
thí sinh trúng tuyển đại học bằng học bạ có tổng điểm thi tốt
nghiệp trung học phổ thông (THPT) ở tổ hợp 3 môn thấp hơn 3 điểm so với
những em đỗ bằng xét điểm thi.
Kết quả đối sánh được Vụ Giáo dục đại học công bố tại Hội nghị tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức mới đây đã gây chú ý dư luận.
Đây cũng là phương thức tuyển sinh chính của các trường đại học, chiếm tỷ trọng cao nhất trong các phương thức xét tuyển.
Vụ Giáo dục
đại học, Bộ GD&ĐT đã tổng hợp và so sánh tổng điểm thi 3 môn ở 5
khối xét tuyển đại học truyền thống (A00, A01, B00, C00, D00) năm 2023
với điểm học bạ của 2 nhóm thí sinh này.
Cụ thể, 60% thí sinh
trúng tuyển đại học bằng học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp theo tổ hợp
3 môn khoảng 20 điểm. Còn 60% thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi có tổng
điểm tổ hợp ba môn hơn 23 điểm. Như vậy, chênh lệch giữa 2 nhóm thí
sinh này khoảng 3 điểm.
Nếu xét kết quả học tập, mức độ chênh lệch của nhóm trúng tuyển bằng điểm thi cao hơn nhóm đỗ bằng học bạ khoảng 1 điểm.
"Về
cơ bản điểm thi tốt nghiệp THPT có khả năng phân loại thí sinh tốt hơn
khi xét tuyển vào các trường đại học", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng
Vụ Giáo dục đại học đánh giá.
Trên cơ sở đó, Vụ trưởng khuyến cáo
các trường nên đặt thêm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn)
bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cho phương thức xét tuyển học bạ để đảm
bảo sự công bằng cho 2 nhóm thí sinh.
Tuy
nhiên, bà Thủy nói rằng đây là kết quả so sánh trên bình diện chung cả
nước. Tại mỗi trường, kết quả đối sánh có thể khác nhau vì mỗi cơ sở
giáo dục có những tệp thí sinh khác nhau.
"Dẹp bớt" xét tuyển sớm: Trường đồng tình, trường phản đối
Đánh
giá về phương thức xét tuyển sớm, PGS.TS Lê Thành Bắc, Phó giám đốc Đại
học Đà Nẵng, chia sẻ thực trạng đa phần học sinh khi đã trúng tuyển sớm
gần như không tập trung hết khả năng để thi tốt nghiệp THPT. Hầu hết,
các em chỉ cần đỗ tốt nghiệp. Điều này lý giải kết quả chênh lệch điểm
giữa 2 nhóm theo phân tích của Vụ Giáo dục Đại học.
Phó giám đốc
Đại học Đà Nẵng cũng tiết lộ, trong những năm vừa qua, tỷ lệ ảo xét
tuyển sớm vẫn ở ngưỡng 200-300%. Khi xét tuyển sớm, dữ liệu về khu vực
ưu tiên, đối tượng ưu tiên chưa có nên khi hậu kiểm phát hiện có nhiều
sai sót. Từ đó, ông Bắc đề xuất từ năm 2025, Bộ nên có quy định chỉ được
công bố trúng tuyển sau khi đã thi tốt nghiệp THPT.
Chung băn khoăn, PGS.TS
Nguyễn Hữu Công, Phó giám đốc Đại học Thái Nguyên, cho biết tại đơn vị
này chỉ khoảng 20% thí sinh trúng tuyển sớm đăng ký nguyện vọng 1. Ưu
điểm của xét tuyển sớm là giúp người học yên tâm nhưng nhiều khi dẫn đến
yên tâm quá.
Mặt khác, các trường đại học cũng khó khăn trong dự
báo tỷ lệ ảo. Vị phó giám đốc đề xuất từ năm 2025, xem xét lại phương
thức xét tuyển sớm. Ông kiến nghị nên hạn chế phương án này, chỉ nên
dành cho những ngành đặc thù, trọng yếu.
Trong khi đó, TS Lê
Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, lại cho rằng việc thí
sinh trúng tuyển sớm nhưng không đặt nguyện vọng 1 là chuyện bình
thường bởi cùng một lúc các em có thể trúng tuyển sớm ở nhiều trường. Từ
đó, ông Tùng đề xuất kết hợp xét tuyển sớm và nhập học sớm, giúp giảm
tỷ lệ ảo.
Hồi tháng 1, hàng loạt cơ sở giáo dục như Trường Đại
học Công nghiệp TPHCM, Công thương TPHCM, Sư phạm TPHCM, Sư phạm Hà Nội,
Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Nha Trang công bố kết quả so sánh quá trình học
đại học giữa nhóm thí sinh trúng tuyển bằng học bạ và điểm thi tốt
nghiệp.
Theo đó, nhóm sinh viên trúng tuyển bằng học bạ có kết quả
học tương đương với những nhóm đỗ bằng điểm thi. Vì thế, nhiều trường
đánh giá tuyển sinh bằng học bạ vẫn có độ tin cậy nhất định và tiếp tục
dành chỉ tiêu cho phương thức này.
Cần tìm giải pháp giải quyết
Kết
luận vấn đề trao đổi, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT,
cho hay phương thức xét tuyển sớm có ưu điểm và nhược điểm nhất định. Ưu
điểm là các trường chủ động hơn, giảm tải áp lực cho thí sinh, cho các
trường. Song, mặt trái cũng tạo tâm lý lo lắng cho thí sinh thấy bạn bè
xét tuyển sớm mình cũng phải lo xét tuyển sớm. Hạn chế khác như sai sót,
khó dự báo tỷ lệ nhập học.
Đặc biệt, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh tới
vấn đề thiếu công bằng khi các trường đưa chỉ tiêu xét tuyển sớm, sẽ có
độ ảo nhất định, rất khó có căn cứ để xác minh. Ông dẫn chứng ví dụ,
trường có 100 chỉ tiêu ngành A, trường ấn định 60 chỉ tiêu cho xét tuyển
sớm. "Căn cứ nào để đưa ra con số 60 này", Thứ trưởng đặt câu hỏi.
Một
tình huống khác là trường chưa dự báo được tỷ lệ ảo, nên với 100 chỉ
tiêu nhưng nâng lên 200 chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, đến cuối cùng, đã đủ
100 thí sinh đăng ký xét tuyển sớm. Như vậy, khi đã tuyển đủ chỉ tiêu
xét tuyển sớm rồi sẽ không còn chỉ tiêu cho các trường hợp khác nữa.
"Đây
là sự thiếu công bằng và là hiện tượng rất nhức nhối trong một số năm
qua. Không phải chỉ xuất hiện ở một trường mà rất nhiều trường, dẫn tới
có trường số lượng tuyển thực vượt chỉ tiêu rất nhiều", Thứ trưởng Hoàng
Minh Sơn trăn trở.
Ông
cho rằng xét tuyển sớm nếu dành cho tuyển thẳng, thí sinh rất tài năng,
năng khiếu hay trường có thể nhận thoải mái mà không lo chỉ tiêu thì
rất tốt. Nhưng nếu không kiểm soát được chỉ tiêu sẽ dẫn đến mất công
bằng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng "điểm mặt" hiện tượng các
trường yêu cầu đặt cọc giữ chỗ, xác nhận nhập học qua gmail hay nhắc nhở
phải đăng ký nguyện vọng 1 làm hạn chế đi quyền tự do chọn lựa nguyện
vọng của thí sinh.
"Các trường được phép tự chủ nhưng không có nghĩa là tự do", ông Hoàng Minh Sơn khẳng định.
Ông Sơn cho biết sẽ có một chuyên đề riêng để bàn bạc về xét tuyển sớm và có điều chỉnh từ năm 2025.
Hiện
tượng thiếu công bằng trên cũng được Báo Dân trí phản ánh trong trường
hợp "Hai thủ khoa thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vẫn trượt nguyện vọng 1
vào Đại học Bách khoa Hà Nội".
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này
được cho là do Đại học Bách khoa Hà Nội đã nhận quá nhiều thí sinh bằng
phương thức xét tuyển sớm nên không còn nhiều chỗ dành cho những thí
sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT cao, tạo nên sự mất công bằng giữa
các phương thức.