Sáng 12/5, tại Trường Đại học Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khai mạc ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI.
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phải đón đầu, đột phá không được nóng vội và phải chấp nhận rủi ro
Phát
biểu tại ngày hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ niềm vui tới dự Lễ
khai mạc Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ
VI tại TP Cần Thơ - một địa phương đi đầu về đổi mới sáng tạo, được gặp
gỡ những gương mặt học sinh, sinh viên thông minh, năng động và đầy
nhiệt huyết, hoài bão.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cần tạo
động lực, truyền cảm hứng để thế hệ trẻ gen Z (thế hệ sinh từ năm 1995
đến năm 2012) sống một cuộc sống tràn đầy đam mê, hoài bão, khát vọng
vươn lên, ý chí lập thân, lập nghiệp, sáng tạo của khối óc, tình cảm yêu
nước nồng nàn; "nuôi dưỡng ý tưởng; thổi bùng đam mê; đương đầu thách
thức, chấp nhận rủi ro, lập nghiệp thành công".
Thủ tướng cho rằng
đổi mới sáng tạo (ĐMST) phải vượt lên, phải đột phá thuyết phục được
mọi người bằng hiệu quả không phải có hiệu quả ngay mà phải có thời
gian, không gian và quá trình thì mới ra được sản phẩm ĐMST.
Người
đứng đầu Chính phủ lưu ý, muốn khởi nghiệp và ĐMST là phải chấp nhận
rủi ro. Nhà nước sẽ có cơ chế đảm bảo rủi ro cho học sinh, sinh viên
nhất là trong khởi nghiệp, ĐMST.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn
mạnh khởi nghiệp, ĐMST là động lực và nguồn lực quan trọng trong sự phát
triển bền vững của mỗi quốc gia. Muốn có khởi nghiệp, ĐMST, thì phải có
con người đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp cần sự đam mê, quyết tâm, lòng
kiên trì và sự dũng cảm vượt qua chông gai, thử thách để hướng tới thành
công.
Theo Thủ tướng, nhìn lại lịch sử của Cách mạng Việt Nam,
với quan điểm "dân giàu thì nước mạnh", tinh thần khởi nghiệp đã được
Bác Hồ kính yêu nhắc đến từ rất sớm. Trong Thư gửi các giới Công Thương
Việt Nam ngày 13/10/1945, Bác viết: "Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng
nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng".
"Thấm
nhuần tư tưởng đó của Người, những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt
quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo", Thủ tướng nói.
Thủ
tướng cũng cho biết, những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp đã lan
tỏa rộng khắp, từ thành phố đến nông thôn và đến tận các vùng sâu, vùng
xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tinh thần doanh
nhân, khát vọng khởi nghiệp khởi sắc ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ
người dân, nhất là trong giới trẻ.
Thủ tướng đánh giá, qua hơn 6 năm thực hiện, Đề án 1665 đã đạt được những kết quả quan trọng như các báo cáo, ý kiến đã chỉ ra.
Thủ
tướng Phạm Minh Chính vui mừng khi các hoạt động, dự án khởi nghiệp của
học sinh, sinh viên đều dựa trên ĐMST, khoa học công nghệ, dựa vào nhu
cầu thị trường, của người dân, của cuộc sống và dựa vào tiềm năng khác
biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, đi vào các vấn
đề khó khăn, thách thức để đưa ra các giải pháp hóa giải, tháo gỡ.
Ông
lấy dẫn chứng từ việc có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đã đạt
thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học ở trong nước, nước
ngoài và được tuyển dụng làm việc tại các tập đoàn, công ty công nghệ
lớn của thế giới như Facebook, Space X, Google, Quora…
Cùng với
đó, Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh sinh viên là ngày hội tôn
vinh khoa học công nghệ, nền tảng nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa
học công nghệ.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá
cao và biểu dương những kết quả tích cực về khởi nghiệp, ĐMST trong học
sinh sinh viên, thanh niên Việt Nam thời gian qua, đóng góp vào thành
công chung của cả nước; hoan nghênh các bộ, ngành, địa phương, nhất là
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung chỉ đạo tổ chức tốt Ngày hội khởi
nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên hằng năm, từ năm 2018 đến nay.
"1 Đẩy mạnh; 2 Tăng cường; 3 Kết nối; 4 Tập trung; 5 Khuyến khích" đổi mới sáng tạo
Cũng
theo người đứng đầu Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ
bản, hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta vẫn còn những hạn chế, bất
cập.
Hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung và hệ sinh thái khởi
nghiệp trong các cơ sở giáo dục nói riêng vẫn còn hạn chế, thiếu sự gắn
kết; còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực, thế giới.
Về
nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính
yêu cầu đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách hiện hành; đồng thời
rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo
môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên, học sinh,
sinh viên không ngừng khởi nghiệp, ĐMST.
Tăng
cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp pháp cho thúc đẩy
khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên, nhất là nguồn
lực xã hội, doanh nghiệp.
Kết nối các trung tâm hỗ trợ sinh viên
khởi nghiệp trong các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với
các trung tâm khởi nghiệp tại các địa phương, hình thành mạng lưới kết
nối khởi nghiệp quốc gia.
Tập trung nâng cao tinh thần ĐMST trong
ngành giáo dục, trong đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên, học
sinh, sinh viên. Đổi mới từ cách nghĩ cách làm đến nội dung, chương
trình, phương pháp giảng dạy và mang lại hiệu quả.
Khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị sử dụng các sản phẩm được hình thành từ các dự án khởi nghiệp.