Trong 14 gương mặt các nhà khoa học trẻ, khoa học đầu ngành trúng tuyển đợt 1 chương trình VNU350
(Chương trình thu hút, giữ chân và phát triển 350 nhà khoa học trẻ xuất
sắc, nhà khoa học đầu ngành công tác tại ĐH Quốc gia TPHCM) có đến 13
người tốt nghiệp tiến sĩ tại các trường đại học ở nước ngoài.
Người duy nhất tốt
nghiệp tiến sĩ từ trường đại học trong nước trúng tuyển chương trình này
là TS Cao Thị Thùy Như, sinh năm 1987, quê Bến Tre.
Vào tháng
3/2023, bà Cao Thị Thùy Như bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp cơ sở
đào tạo với đề tài "Pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư"
thuộc ngành luật kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc
gia TPHCM).
Bà Như trúng tuyển theo chương trình VNE350 vào chính Trường Đại học Kinh tế - Luật, ở khoa Luật.
Đợt
này, trúng tuyển theo chương trình VNU350 vào Trường Đại học Kinh tế -
Luật cùng TS Cao Thị Thùy Như còn có một gương mặt nữ khác là PGS.TS
Nguyễn Thị Ánh Như - người sở hữu 19 bài báo khoa học trong nước và quốc
tế.
Bà Nguyễn Thị Ánh Như sinh năm 1980, tốt nghiệp tiến sĩ khoa Tài chính, Đại học Tomas Bata, Cộng hòa Séc.
Thông
tin từ Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, bà Ánh Như về trường công
tác tại khoa Tài chính - Ngân hàng, cùng định hướng trở thành nhà khoa
học đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, đặc biệt là nghiên cứu
chuyên sâu về tài chính cá nhân và tài chính xanh.
Sau khi tuyển
được 14 gương mặt trong đợt 1, Đại học Quốc gia TPHCM tiếp tục tuyển
dụng 64 chỉ tiêu đợt 2 năm 2024 chương trình VNU350 cho các đơn vị thành
viên.
Các nhà khoa học tham gia chương trình VNU350 sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ từ Đại học Quốc gia TPHCM và chính sách hỗ trợ cụ thể của từng đơn vị tuyển dụng.
Các
đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM cũng công bố mức lương,
thu nhập dành cho các ứng viên người Việt Nam và người nước ngoài.
Đối
với ứng viên người Việt Nam, tất cả đơn vị đều trả lương theo quy định
của Nhà nước (tiến sĩ có hệ số 3.0) là 5,4 triệu đồng/tháng, còn có thêm
lương theo vị trí việc làm, thu nhập tăng thêm với mức 10-23,2 triệu
đồng/tháng (tùy đơn vị).
Một số trường có chính sách thu nhập
riêng như Trường đại học Công nghệ thông tin hỗ trợ các bài báo khoa học
thuộc danh mục ISI/Scopus, mức tối đa 200 triệu đồng/năm. Trong 1 năm
đầu, được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường (kinh phí 35 triệu
đồng).
Trường đại học Kinh tế - Luật có thu nhập trung bình của
tiến sĩ có kinh nghiệm trên 3 năm 28 triệu đồng/tháng, phó giáo sư 45
triệu đồng/tháng, giáo sư: 51 triệu đồng/tháng.
Chính
sách thu hút ứng viên mới về trường lên đến 350 triệu đồng đối với giáo
sư, 250 triệu đồng đối với phó giáo sư, 150 triệu đồng với tiến sĩ và
hỗ trợ kinh phí khi đạt chức danh giáo sư 150 triệu đồng, phó giáo sư
100 triệu đồng.
Đối với ứng viên người nước ngoài, lương vị trí việc làm
tương ứng gấp 2-3 lần ứng viên người Việt Nam và các chế độ đãi ngộ
khác theo thỏa thuận nêu rõ trong hợp đồng lao động tùy trường.
Đại học Quốc gia TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tuyển dụng được 350 nhà khoa học theo chương trình VNU350.