Đó
là khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) TPHCM Phan Văn Mãi
tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai kế hoạch hoạt
động năm 2024 của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn
được tổ chức ngày 29/2.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, hình thành trung tâm xuất sắc
Người
đứng đầu TPHCM xác định: "Chúng ta phải đầu tư mới có được kết
quả. Thành phố sẵn sàng bỏ ra hàng trăm tỷ, thậm chí hàng ngàn tỷ mỗi
năm cho đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ là cho phát triển kinh tế xã
hội của Thành phố mà còn cho phát triển kinh tế xã hội của cả nước".
Nói
tới việc đào tạo và đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực, ông Phan Văn Mãi
nhắc lại chủ trương TPHCM định hướng ưu tiên đầu tư đào tạo nhân lực bậc
đại học và sau đại học có trình độ quốc tế đối với 8 ngành trọng điểm
(bao gồm: Công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí
tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính-ngân hàng, y tế, du lịch,
quản lý đô thị).
Điều này góp phần phát triển lực lượng lao động
có chất lượng cao. Từ đó, tạo ra lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng kinh
tế cho TPHCM trong quá trình hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng xu
thế toàn cầu hóa lực lượng lao động.
Ông giao Sở GD&ĐT TPHCM
chủ trì, dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Dương Anh Đức, trong
tháng 3 phải báo cáo kế hoạch của 4 ngành đã được nghiệm thu gồm: Đào
tạo ngành nào, số lượng bao nhiêu, đơn vị nào đào tạo, thành phố cần chính sách gì?
Tại
hội nghị, các chuyên gia nêu nhiều ý kiến để phát triển chính sách thu
hút sinh viên quốc tế đến học để hướng tới mục tiêu TPHCM trở thành một
trung tâm đào tạo quốc tế. Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh cần nhận diện và
xây dựng thương hiệu mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM nhắc về các trung
tâm xuất sắc của ngành y tế được thể hiện rất rõ tại các bệnh viện thành
phố hoặc bệnh viện Trung ương đặt tại TPHCM.
Nhiều công trình
được thực hiện xuất sắc, vươn tầm thế giới cho thấy chúng ta hoàn toàn
tự tin rằng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và một số mặt nào đó đều có thể tiếp cận được trình độ của khu vực và thế giới.
"Tôi
rất khuyến khích và nếu như có được mô hình cụ thể, thành phố sẽ đầu tư
để hình thành, phát triển các trung tâm xuất sắc về đào tạo tại các đại
học", ông Mãi chia sẻ.
Ông gợi ý, nếu vận hành theo hướng các trung tâm xuất sắc sẽ sử dụng được những cơ chế tài chính của thành phố.
"Thành
phố sẵn sàng trả lương cho một số chức danh 100-120 triệu đồng mỗi
tháng, tương ứng với 5.000-7.000 USD để thu hút được những nguồn lực từ
bên ngoài", ông Phan Văn Mãi nói.
Chú trọng xây dựng đại học khởi nghiệp
Tại
hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Sở Khoa học Công nghệ sớm
thông tin về tiêu chí của đại học khởi nghiệp để các cơ sở giáo dục đại
học chủ động đăng ký.
Từ đó, Sở Khoa học Công nghệ đề xuất có
những chính sách đầu tư hoặc hỗ trợ của Thành phố cho các đại học để
phát triển đại học khởi nghiệp.
Việc đầu tư xây dựng các trung tâm
đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tại một số đại học cần coi như là trung
tâm của quốc gia trên địa bàn thành phố, đặt tại đại học hoặc là trung
tâm của thành phố hoặc là trung tâm của đại học được thành phố đầu tư hỗ
trợ.
"Thành
phố sẽ đầu tư cho các đại học, bất luận là đại học của thành phố hay
đang trực thuộc các Bộ, kể cả đại học tư nhân. Trong đó, nhiều cơ sở cho
biết vướng phải các vấn đề liên quan tới pháp lý đất đai, quy hoạch...
Khi có bất kỳ vướng mắc nào cần báo cáo với Thường trực Ủy ban để có chỉ
đạo giải quyết, phát huy tốt mọi nguồn lực", ông Mãi nhấn mạnh.
Một
tin vui khác là thành phố sẽ thông qua chương trình kích cầu đầu tư
trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu các chính sách cho vay. Ông Mãi cho
biết đã có rất nhiều đại học được hưởng thụ từ chương trình này.
Cùng
với đó, thành phố sẽ đặt hàng các đại học để góp ý cho chính sách,
chiến lược cho quá trình thi hành và thực thi chính sách.
Một vấn
đề khác được Chủ tịch Phan Văn Mãi chú trọng là nâng cao chất lượng,
hiệu quả của hoạt động Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa
bàn TPHCM để đây là một "túi khôn" của thành phố, của đất nước.