Ngày
27/3, Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch
Thường trực Quốc hội làm trưởng đoàn - đã có buổi làm việc với lãnh đạo
Thành ủy, HĐND và UBND TPHCM về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thiếu giáo viên, cơ sở vật chất
Phó
Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, qua 3 năm triển khai Chương
trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cho thấy, chương trình phù hợp với
điều kiện cụ thể của nhà trường, phù hợp với các khả năng tiếp thu của
học sinh tại thành phố. Hiện thành phố đạt tỷ lệ 294 phòng học/10.000
dân, mục tiêu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân.
Đến nay, tỷ lệ học 2 buổi/ngày đối với tiểu học là 74,1%, đối với THCS là 63,2%, đối với THPT là 95,3%.
Ông
Đức bày tỏ, TPHCM luôn đứng trước áp lực lớn khi dân số tăng cơ học
hàng năm rất cao, nhưng quy trình đầu tư công kéo dài, khả năng cân đối
ngân sách hạn chế. Do đó, việc đáp ứng về phòng học, đảm bảo sĩ số/lớp
và tỷ lệ học 2 buổi/ngày còn nhiều khó khăn.
Theo thống kê, thành
phố đang thiếu khoảng 5.000 phòng học mới có thể đáp ứng nhu cầu thực
tế; so với chỉ tiêu 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân. Như vậy, thành
phố cần phải xây thêm 8.000 phòng học mới.
Mặc dù liên tục tuyển
dụng giáo viên nhưng đến nay, TP vẫn chưa đáp ứng về số lượng và cơ cấu
bộ môn theo yêu cầu của chương trình mới. Đa số các trường tiểu học đều
gặp khó khăn khi thiếu nguồn giáo viên môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc,
mỹ thuật.
Một số giáo viên còn lúng túng khi triển khai dạy chương
trình mới, nhất là các môn mới theo hướng tích hợp. Mặt khác, thiết bị
học tin học hầu hết cũ, chậm thay thế do nhiều nguyên nhân, trong đó có
việc chậm do đấu thầu mua sắm tập trung theo quy định.
Theo ông
Đức, do đặc thù là một đô thị lớn, TPHCM rơi vào tình trạng số dân sinh
sống thực tế trên địa bàn luôn cao hơn nhiều lần so với số dân có hộ
khẩu thường trú. Trong khi đó, các chính sách, chỉ tiêu đều được xây
dựng dựa trên số dân có hộ khẩu thường trú.
"Thống kê cho thấy, có
hơn 20% là học sinh đang học ở thành phố là đến từ các địa phương khác.
Vì thế, thành phố kiến nghị Trung ương xem xét khi bố trí nguồn lực,
tính toán các chỉ tiêu cần dựa trên số dân thực tế chứ không chỉ dựa
trên dân số trên hộ khẩu", ông Đức nêu.
Cùng
với đó, chương trình GDPT mới là chương trình 2 buổi/ngày nên các
trường gặp rất nhiều khó khăn khi không được thu khoản học phí buổi 2
đối với học sinh học chương trình này.
Từ đó, TPHCM đề xuất Quốc
hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sớm xây dựng cơ chế chính sách
cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày. Nhà trường được ký hợp đồng với các vị
trí việc làm
không tuyển dụng được (còn trong chỉ tiêu định biên) và ngân sách cấp
bù để chi trả lương cho đối tượng này khi thực hiện quy định không thu
tiền học phí buổi thứ 2.
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT
và các bộ liên quan có văn bản hướng dẫn về việc ngân sách nhà nước đảm
bảo kinh phí và bổ sung kinh phí cho công tác tập huấn bồi dưỡng chương
trình GDPT 2018.
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Nội
vụ điều chỉnh vị trí việc làm trong trường phổ thông. Cụ thể, bổ sung vị
trí việc làm, có văn bản hướng dẫn về tuyển dụng, xây dựng cơ chế và
chế độ riêng đối với giáo viên hai môn tiếng Anh, tin học. Việc này nhằm
thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên gắn bó với giáo dục tiểu học…
Qua
thực tế giám sát, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa,
Giáo dục của Quốc hội - đánh giá cao nỗ lực thực hiện chương trình GDPT
2018 của TPHCM.
Dù vậy, thực tế triển khai còn nhiều bất cập như
công tác đấu thầu tập trung mua sắm trang thiết bị; giáo viên còn thiếu
về số lượng và chưa đồng bộ về cơ cấu, một số cơ sở lúng túng trong bố
trí giáo viên dạy môn tích hợp; việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm
tra, đánh giá học sinh gặp khó khăn đối với một bộ phận giáo viên lớn
tuổi, hạn chế trình độ tin học.
"Riêng
đối với việc lựa chọn SGK, hoạt động nghiên cứu và lựa chọn diễn ra
trong thời gian gấp rút, số bản mẫu nhiều, thực hiện trong năm học khiến
giáo viên gặp khó khăn, ảnh hưởng độ chuẩn xác của kết quả lựa chọn",
bà Mai Hoa bày tỏ.
Đồng thời, bà Hoa còn cho rằng, việc biên soạn
và in ấn tài liệu giáo dục địa phương chậm sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả
việc triển khai chương trình. Hiện các cơ sở giáo dục sử dụng tài liệu
điện tử, do vướng về cơ chế in ấn, nên cũng cần giải pháp cụ thể hơn
trong thời gian tới.
Tìm cách tháo gỡ
Trước
hàng loạt khó khăn, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, hiện
nay, TPHCM với quy mô dân số hơn 10 triệu người, chưa tính bộ phận dân
cư vãng lai nên việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và y tế gặp nhiều
khó khăn.
Đơn cử, nếu xét theo tiêu chuẩn của ngành giáo dục,
thành phố còn thiếu khoảng 3.000 phòng học, nhưng nếu xét theo tiêu chí
300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, thành phố vẫn còn thiếu
khoảng 8.000 phòng học.
Điển hình nhất tại huyện Bình Chánh, có
những trường học lên đến 90 lớp/trường, cao gấp 3 lần so với quy định
tiêu chuẩn là 30 lớp/trường. Sĩ số nhiều lớp cũng trên 50 học sinh/lớp.
Ông
Mãi cho biết, từ nay đến năm 2025, mục tiêu bổ sung thêm 8.000 phòng
học gặp nhiều khó khăn nên TPHCM cần cơ chế linh hoạt cho các tổ chức,
cá nhân tham gia đầu tư xã hội hóa, tạo thêm nguồn lực cho giáo dục.
Trước
sức ép dân số, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, nhấn mạnh, bình
quân 1 năm TPHCM tăng 200.000 dân và trên 40.000 học sinh, con số đó
không đơn giản và càng ngày càng áp lực.
Trong khi đó mục tiêu của
thành phố là tạo mọi điều kiện, cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả học
sinh, không bỏ sót ai. Do đó, ngành giáo dục phải tính đến chiến lược
dài dạn về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, chế độ chính sách dành cho giáo viên, chuẩn bị đủ cơ sở vật chất theo quy định.
Ông
Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn giám
sát - cho biết, mục tiêu của đợt giám sát nhằm đánh giá công bằng, khách
quan kết quả thực hiện trong thời gian qua ở TPHCM. Đồng thời, làm rõ
các khó khăn, vướng mắc để qua đó kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành tháo
gỡ khó khăn cho các địa phương, đồng thời phát hiện những cách làm tốt,
mô hình hay để nhân rộng cả nước.
Phó
Chủ tịch thường trực Quốc hội đề nghị, TPHCM cần thực hiện việc rà
soát, đánh giá quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục trên địa bàn, để
xem xét, điều chỉnh đáp ứng nhu cầu của người học.
Thành phố cần
nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, công tác quản lý Nhà
nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu
trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục. Đồng thời, thực hiện việc đổi mới
quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch, đẩy mạnh
việc giao quyền tự chủ, cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công
lập.
Ngoài ra, ông Mẫn cho rằng, TPHCM cũng cần tăng cường mở
rộng hợp tác đối với các đối tác quốc tế, tạo điều kiện cho các nhà
giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng
dạy tại các trường học trên địa bàn.
Cùng với đó, tăng cường công
tác thông tin, truyền thông, thực hiện phong trào thi đua "Đổi mới, sáng
tạo trong quản lý, giảng dạy, học tập" gắn với các phong trào thi đua
do Thủ tướng phát động, coi thi đua là động lực để nâng cao chất lượng
giáo dục toàn diện, đáp ứng với yêu cầu đổi mới.