Mạng xã hội
dậy sóng với chia sẻ của một phụ huynh về việc giáo viên mầm non đã
chụp ảnh con chị gửi lên nhóm lớp để mỉa mai vì con không mặc đồng phục.
Cụ
thể, trong đoạn hội thoại được đăng lên, giáo viên chụp một nhóm học
sinh đang ngồi ngay ngắn trên ghế. Tất cả học sinh đều mặc đồng phục áo
xanh, riêng một học sinh mặc áo đỏ in hình sao vàng.
Giáo viên viết: "Cả lớp tươm tất đang chuẩn bị xuống đi trường tiểu học nhưng có một bạn lúc nào cũng mặc khác cả lớp".
Lập
tức, mẹ của học sinh hồi đáp tin nhắn của cô. Người mẹ cho rằng cô "có
những lời nói thiếu tôn trọng và khiếm nhã". Người mẹ cũng nhắc nhở giáo
viên: "Làm nghề thì nên có chút tâm với nghề. Đừng thấy con có chút
thiếu sót mà so sánh, mỉa mai. Không động viên các con thì thôi, đừng
làm vậy cô nhé".
Toàn bộ hội thoại diễn ra công khai trong nhóm lớp.
Khi
chia sẻ lên mạng, người mẹ giãi bày: "Hôm nay con và các bạn cùng lớp
đi tham quan trường tiểu học để chuẩn bị cho năm sau vào lớp 1.
Trước khi đi, cô giáo chụp lại ảnh con mình cùng các bạn và gửi vào group chung của lớp bao gồm tất cả các phụ huynh của các bạn khác, và nhắc rằng con mình luôn mặc khác với các bạn.
Cô nhắc vậy nhưng mình cảm giác cô mỉa mai và có sự phân biệt với con mình vì mẹ đã không mua đồng phục cho con.
Hiện
tại cháu nhà mình 3 năm học tại mầm non đều có 3 bộ đồng phục khác
nhau, mỗi năm trường bắt đổi một kiểu. Đến năm nay là năm cuối, mình
quyết định không mua cho con nữa thì vào hôm nay cô mỉa mai như vậy,
thấy rất khổ thân con.
Mà trong khi nhóm chung đó lại có rất nhiều
bậc phụ huynh khác nữa. Đối với mình con ăn mặc sao cũng được, miễn
lịch sự và sạch sẽ, không làm phiền tới ai, chứ trường mỗi năm một loại
đồng phục, mẹ cháu theo chẳng kịp. Đáng lý ra là người ươm mầm non, cô
hoàn toàn có thể xử lý theo cách khác mà không khiến cả cháu lẫn phụ
huynh phải tự ái như thế này."
Trước câu chuyện nói trên, mạng xã
hội chia "phe". Một bên cho rằng giáo viên nói chuyện thiếu lịch sự,
thiếu tôn trọng phụ huynh, học sinh. Một bên cho rằng người mẹ tự làm
cho con trở nên khác biệt khi một bộ đồng phục đáng giá hơn trăm ngàn
cũng tiếc không mua cho con.
Chị Nguyễn Hoài Anh (35 tuổi, Hà Nội)
chia sẻ: "Tôi không đồng ý với cách ăn nói của giáo viên trong câu
chuyện này. Nhưng là một người mẹ, tôi cũng không ủng hộ hành xử của
người mẹ kia.
Dù mỗi năm nhà trường đổi một bộ, tôi vẫn chấp nhận
mua cho con. Tối không muốn vì vài trăm ngàn đồng mà con trở nên khác
biệt, dẫn đến bị giáo viên phân biệt".
Khác quan điểm, chị Nguyễn
Xuân Quý (29 tuổi, Hà Nội) cho hay: "Trường mỗi năm đổi một bộ đồng
phục, nếu không bắt buộc học sinh phải mua, tôi sẽ không mua.
Không
phải tôi không có nổi 100, 200.000 đồng mua áo cho con, mà tôi không bỏ
tiền ra mua những thứ không cần thiết, vô lý và lãng phí.
Đọc kỹ
sự việc, tôi thấy người mẹ đã cố gắng nương theo nhà trường. Hai năm
trước hai bộ đồng phục khác nhau, chị ấy đều mua. Đến năm cuối lại thay
đồng phục, chị ấy không mua nữa, tức chị ấy không chấp nhận nữa, không
phải chị ấy tiếc tiền, ki bo như nhiều người bình luận.
Nếu giáo
viên phản ứng với con tôi, tôi sẽ lên gặp ban giám hiệu chứ không đôi co
trong nhóm lớp. Lúc đang nóng giận, nhắn tin rất dễ mất kiềm chế, để
lại lời nói không hay".
Nhà trường sai, giáo viên sai hay phụ huynh sai?
Ở
góc nhìn giáo dục, một hiệu phó trường mầm non công lập xin giấu danh
tính nêu quan điểm: "Giáo viên đã sai trong câu chuyện này. Phản ứng của
phụ huynh thái quá và thiếu tôn trọng giáo viên. Nhưng trước đó, thái
độ ứng xử của giáo viên không phù hợp với môi trường giáo dục".
Theo
bà, giao tiếp giữa giáo viên với phụ huynh cần sự chuẩn mực trong lời
nói và hành động. Sự chuẩn mực bao gồm các yếu tố: lịch sự, tôn trọng,
cụ thể, rõ ràng.
"Việc
giáo viên chụp ảnh đầy đủ mặt mũi học sinh kèm theo bình luận "một bạn
lúc nào cũng mặc khác cả lớp" khiến cha mẹ học sinh dễ cảm thấy bị xúc
phạm. Bởi cô chụp ảnh rõ mặt nhưng cô không nêu tên đích danh. Lời cô
nói không giống với nhắc nhở, góp ý. Cha mẹ nhận xét cô mỉa mai là có lý
do.
Trường hợp này, lẽ ra cô nên gửi riêng bức ảnh cho cha mẹ,
tâm sự với cha mẹ rằng vì con không mặc đồng phục nên con bị khác biệt
với các bạn quá. Sau đó, cô sẽ đưa ra gợi ý với cha mẹ, hỏi cha mẹ xem
có nên cân nhắc mua đồng phục cho con hay không.
Nếu giá trị đồng
phục cao, hãy hỏi cha mẹ xem gia đình có khó khăn về kinh tế hay không.
Giáo viên cần hiểu rõ lý do vì sao cha mẹ không mua đồng phục cho con
thay vì vội vàng xem hành vi đó là chống đối nhà trường.
Giáo viên
cũng cần nắm rõ nguyên tắc, vấn đề cá nhân của trẻ tuyệt đối không được
nêu trong nhóm lớp có các cha mẹ khác", vị hiệu phó cho biết.
Về
việc mỗi năm nhà trường đổi một mẫu đồng phục khác nhau, lãnh đạo trường
mầm non phân tích : "Hiện không có quy định cụ thể về việc các trường
không được phép thay đổi đồng phục hàng năm.
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Giáo dục
và Đào tạo, đồng phục học sinh phải đảm bảo tính ổn định, thể hiện
truyền thống của nhà trường, đồng thời đảm bảo tính tiết kiệm, phù hợp
với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương.
Do đó, tôi cho rằng đồng phục học sinh không nên thay đổi mỗi năm, gây bất tiện cho cha mẹ học sinh và gây lãng phí.
Vị
phụ huynh từ chối mua đồng phục có thể chưa đúng với quy định của nhà
trường. Song trong sự việc nêu trên, dường như nhà trường, giáo viên
đứng lớp chưa có sự giải thích, trao đổi đầy đủ, thấu tình đạt lý với
phụ huynh về lý do thay đổi đồng phục, dẫn tới tình huống gây ồn ào".
Thông
tư 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc mặc
đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên nêu rõ: Nguyên
tắc mặc đồng phục cần bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với giới tính, lứa
tuổi của học sinh, sinh viên và bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc điểm
của từng địa phương, đồng thời đảm bảo tính ổn định, thể hiện truyền
thống của nhà trường.
Đồng phục cũng cần phù hợp với điều kiện
thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt ở trường và tham gia
các hoạt động khác, bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã
hội của từng địa phương, từng trường.
Trường hợp cần có sự thay
đổi kiểu dáng, màu sắc đồng phục, phải được sự đồng ý của Hội đồng
trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh.