Theo
PGS.TS Lê Đình Tùng, ngành Tâm lý học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và
hành vi. Các trường đại học đào tạo ngành này đều sử dụng tuyển sinh
bằng các tổ hợp truyền thống, trong đó có C00 (văn, sử, địa) và D01
(toán, văn, tiếng Anh). Do đó, việc Trường Đại học Y Hà Nội xét tuyển
khối C, D là hoàn toàn phù hợp.
Bên cạnh đó, ông Tùng phân tích, ngành Tâm lý học có nhiều kiến thức liên quan đến các môn xã hội.
Trong đó, một số môn cơ sở mà sinh viên phải học gồm: Nhân học và xã hội học sức khỏe, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Giáo dục và nâng cao sức khỏe, Tâm lý học xã hội, Tâm lý học nhận thức, Tâm lý học giáo dục, Sức khỏe tâm thần, Tham vấn tâm lý…
Sinh viên có kiến thức tốt ở các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý bậc THPT phù hợp để theo học những nội dung kiến thức này.
Trường
Đại học Y Hà Nội xây dựng chương trình Tâm lý học đáp ứng theo chuẩn
chương trình, chuẩn đầu ra của ngành Tâm lý học nói chung.
Điểm mạnh của trường là chú trọng đến các lĩnh vực liên quan đến thực hành, thực tập, các vấn đề tâm lý học y học.
Về
lý do ngành Y tế công cộng tuyển sinh thêm khối D01, ông Tùng lý giải
sinh viên ngành này ra trường chủ yếu làm cho các tổ chức quốc tế, phi
chính phủ, các dự án cần sử dụng tiếng Anh nhiều.
Nhu cầu thực tế của nhà tuyển dụng là một trong những lý do khiến nhà trường mở rộng tổ hợp xét tuyển.
Trước
đó, theo đề án tuyển sinh mới công bố, Trường Đại học Y Hà Nội mở thêm 3
ngành mới hệ đại học chính quy gồm: Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng và
Tâm lý học.
Trong đó, ngành Tâm lý học lấy 60 chỉ tiêu, xét tuyển
các khối B00 (toán, hóa, sinh), C00 (văn, sử, địa) và D01 (toán, văn,
tiếng Anh). Mỗi khối có 20 chỉ tiêu.
Ngành Y tế công cộng tuyển sinh thêm khối D01 với 20 chỉ tiêu.
Một
điểm mới khác của kỳ tuyển sinh năm 2024 là nhà trường lần đầu tiên xét
điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Các ngành
áp dụng phương thức này gồm: Hộ sinh, Điều dưỡng phân hiệu Thanh Hóa,
Kỹ thuật xét nghiệm y học phân hiệu Thanh hóa, Kỹ thuật phục hồi chức
năng phân hiệu Thanh Hóa.
Thí sinh cần có điểm HSA từ 75 trở lên mới được dự tuyển theo phương thức này.
Năm nay, Trường Đại học Y Hà Nội tuyển 1720 chỉ tiêu. Theo công bố, ngành có tỷ lệ việc làm cao nhất sau 2 năm ra trường là Khúc xạ nhãn khoa với 98%.
Đứng vị trí thứ hai là ngành Y tế công cộng với 94%.
Y khoa và Kỹ thuật xét nghiệm y học cùng ở vị trí thứ 3 với 93%.