Những ngày gần đây, trên một số trang mạng xã hội
lan truyền thông tin Trường Quốc tế (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) bất
ngờ tăng học phí "khủng", từ 29 triệu đồng lên 33 triệu đồng khiến sinh
viên rất bất bình.
Trong khi đó theo tìm hiểu của PV Dân trí,
trong tuần qua, cũng có một số thư điện tử gửi về lãnh đạo trường này
phản ánh về việc tăng học phí nhưng không "khủng" như mức đang lan
truyền trên mạng xã hội.
Cụ thể, theo thông tin từ thư điện tử
gửi đến lãnh đạo nhà trường, một số sinh viên thắc mắc vì sao học phí
năm nay tăng 3.000 đồng/tín chỉ. Nếu một sinh viên đăng ký khoảng 20 tín
chỉ, mức tăng khoảng 60.000 đồng.
Tương tự, giả sử một sinh viên học toàn bộ khoảng 135 tín chỉ, nếu tính cho cả khóa học, mức tăng học phí khoảng 400.000 đồng.
Trao đổi với PV Dân trí
ngày 19/4, TS Nguyễn Quang Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế cho
biết, sau khi có phản ánh bằng thư điện tử của sinh viên, cùng với một
số thông tin lan truyền trên mạng xã hội, nhà trường đã rà soát và khẳng
định, đây là thông tin thất thiệt.
Theo TS Thuận, học phí được nhà trường cam kết vào đầu năm học theo ngành và theo khóa đào tạo, không thể nói thích là tăng.
Ông khẳng định, 10 năm nay, nhà trường chưa tăng học phí lần nào.
Cũng theo TS Thuận, khoảng năm 2019, nhà trường từng có đề án gửi ĐHQG Hà Nội và đã được phép tăng học phí 5%.
Tuy nhiên, do thời điểm đó dịch Covid-19 căng thẳng, trong bối cảnh chung cả nước chung tay vượt qua đại dịch, nhà trường đã ngừng tăng học phí theo lộ trình dự kiến.
Thậm chí, đơn vị này còn chung tay hỗ trợ người học theo chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ GD&ĐT.
Về
quy trình tăng học phí, theo TS Thuận, nhà trường phải tuân thủ theo
quy trình: Xây dựng đề án, trình ĐHQG Hà Nội thẩm định và phê duyệt,
không thể tăng bất ngờ chỉ sau một thông báo như sinh viên phản ánh trên
mạng xã hội vừa qua.
"Hiện
nay sinh viên học theo tín chỉ. Các khoản thu được thực hiện vào đầu
mỗi học kỳ theo thông báo của trường, mức thu mỗi học kỳ căn cứ theo số
tín chỉ sinh viên đăng ký học trong kỳ đó.
Do đó, tiền học của mỗi
sinh viên có thể cao/thấp tùy từng ngành và số tín chỉ sinh viên đó
đăng ký chứ không phải nhà trường thông báo tăng trên mỗi đầu tín chỉ
như thông tin lan truyền.
Chẳng hạn sinh viên đăng ký học khoảng
30 tín chỉ, tiền học sẽ tăng lên so với những em chỉ đăng ký khoảng 20
tín chỉ", TS Thuận nói.
Chia sẻ thêm với PV Dân trí, TS
Thuận cho biết thêm, hiện tại ngành có học phí thấp nhất của trường là
ngành tin học và kỹ thuật máy tính (chương trình liên kết quốc tế do
ĐHQG Hà Nội cấp bằng đào tạo bằng tiếng Anh), với khoảng 168 triệu
đồng/sinh viên/khóa học (tương đương hơn 7 nghìn USD/8 kỳ/4 năm).
Ngành
học có mức học phí cao nhất là một số chương trình đào tạo đặc biệt, có
liên kết với nước ngoài như: Ngành "quản lý song bằng" do ĐHQG Hà Nội
và đại học Keuka (Mỹ) cùng cấp bằng đào tạo bằng tiếng Anh (với học phí
khoảng 460 triệu đồng/sinh viên/khóa học); ngành "Marketing song bằng"
do ĐHQG Hà Nội và ĐH Help- Malaysia cùng cấp bằng, đào tạo bằng tiếng
Anh (với khoảng hơn 322 triệu đồng/sinh viên/khóa học).
Mức học
phí này đã bao gồm tiền học phí một học kỳ bắt buộc sinh viên học tại
Đại học Help, Malaysia với ngành Marketing và một học kỳ bắt buộc sinh
viên học tại Đại học Keuka tại Hoa Kỳ với ngành Quản lý song bằng.
Đặc
biệt năm 2023, nhà trường sẽ có chính sách tặng 10 suất hỗ trợ 100% cho
các em sinh viên nghèo vượt khó qua chương trình học bổng "chân trời
mới". Với đối tượng học bổng này, nhà trường cũng hỗ trợ thuê ký túc xá
và giới thiệu việc làm nếu các em cần thiết