Chiều 30/3, Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN), Sở GD&ĐT TPHCM, Công an TPHCM phối hợp tổ chức cuộc họp với toàn thể phụ huynh nhà trường.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một phụ huynh tham dự cuộc họp cho hay, tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Út Em, chủ trường Trường Quốc tế Mỹ bày tỏ mong muốn giữ trường, muốn đảm bảo quyền lợi các gói đầu tư của phụ huynh.
Đồng
thời, bà Nguyễn Thị Út Em lên tiếng kêu gọi phụ huynh đóng góp 125 tỷ
đồng hỗ trợ để giải quyết khó khăn tài chính, duy trì vận hành đến cuối
năm học. Tùy thuộc vào khối lớp, nội dung chương trình học, phụ huynh sẽ
đóng các mức khác nhau từ 9,5 đến 25 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ
với phụ huynh tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT
TPHCM cho biết, theo khảo sát của Trường Quốc tế Mỹ, có 84,56% phụ huynh
muốn cho con tiếp tục theo học tại trường.
Trường
Quốc tế Mỹ đã có tờ trình báo cáo về việc tái cơ cấu công ty để tiếp
tục duy trì hoạt động ổn định của trường. Theo tính toán của trường, nhà
trường dự kiến khoản chi 125 tỷ đồng để hoàn thành chương trình năm
học.
Trong đó, tổng nợ chi lương, vận hành của trường ở các tháng
1, 2, 3/2024 hiện nay là khoảng 48 tỷ đồng; tổng dự tính chi phí vận
hành của trường tháng 4-6/2024 là 77 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, với vấn đề trước mắt, tất cả phụ huynh cùng đồng hành thì mức đóng góp sẽ nhẹ gánh hơn.
Nếu
phụ huynh thống nhất được phương án chung tay này, Sở sẽ tổ chức các tổ
tài chính cùng với ban đại diện cha mẹ học sinh trường vận hành thu và
chi định kỳ để trường hoạt động đến cuối năm học, nhằm đảm bảo việc học
tập của học sinh.
Ông Hiếu cũng đề nghị mỗi khối lớp cử ra một đại
diện để tham gia tổ tài chính nhằm rà soát các khoản chi của kế toán
nhà trường như thế có phù hợp không, trên tinh thần các sở ngành yêu cầu
là chi một cách tinh gọn nhất, tập trung những hạng mục thiết thực nhất
để vận hành nhà trường.
Giám đốc Sở cũng nhấn mạnh, từ giờ đến
cuối năm chỉ tập trung cho các khoản chi thiết yếu đủ để vận hành nhà
trường gồm chi cho đội ngũ thầy cô giáo, bảo hiểm xã hội, chi phí xe đưa
đón học sinh, các thiết bị phục vụ dạy học…
Sau cuộc họp, nhiều
phụ huynh bày tỏ đồng tình với phương án này để giải quyết vấn đề học
tập cho học sinh đến hết năm học 2023-2024.
Tuy
nhiên, nhiều phụ huynh cũng phản đối với phương án đóng thêm tiền khi
trước đó họ đã đóng học phí cho con theo gói đầu tư suốt thời gian học ở
đây. Đã có gia đình phải vay mượn ngân hàng, thậm chí bán nhà để đóng
tiền học theo gói đầu tư cho con vào trường.
Nhiều phụ huynh cũng
nhắc lại trước đó, sau khi phụ huynh lên tiếng đòi nợ trường vào tháng
9/2023, bà Nguyễn Thị Út Em cũng đã kêu gọi phụ huynh đóng góp bổ sung
các khoản phí thường niên cho năm học 2023-2024.
Khi đó, nhiều phụ
huynh, kể cả những người đã đóng học phí trọn gói cho con học trường
theo gói đầu tư cũng tiếp tục đóng tiền để vận hành nhà trường, để duy
trì việc học cho con.
Vậy nhưng, tất cả như muối bỏ bể khi trường tiếp tục rơi vào khó khăn tài chính, nợ lương giáo viên, không có chi phí vận hành.
Đỉnh
điểm vào ngày 18/3, trường này phải cho học sinh nghỉ học vì lý do tài
chính và nhân sự. Sau đó, trường mở cửa lại ngày 19/3 nhưng nhiều học
sinh đến trường phải ngồi tự học ở căng tin vì không có giáo viên.
Trường
Quốc tế Mỹ có mức học phí cao nhất lên đến 725 triệu đồng, chưa tính
các khoản chi phí khác như phí hồ sơ đầu vào, phí ghi danh, phí chương
trình phát triển Anh ngữ...