75 học sinh lớp 12 của Trường
Quốc tế Mỹ chuẩn bị thi Tú tài Quốc tế (IB) nhưng hiện tại trường này
chưa nộp phí dự thi cho các em.
Được biết, Trường Quốc tế Mỹ đề nghị tạm ứng hơn 1,3 tỷ đồng từ tài khoản của tổ liên ngành - tài khoản do Sở GD&ĐT TPHCM, phụ huynh và trường đồng sở hữu dùng để kêu gọi phụ huynh đóng góp tiền duy trì vận hành sau khi vỡ nợ.
Lý do, trường đã thu đủ phần phí này vào đầu năm học 2023-2024 nên giờ không thể áp dụng bất kỳ hình thức nào để thu thêm.
Thông tin này làm nhiều phụ huynh tại Trường Quốc tế Mỹ đã đóng góp tiền duy trì vận hành vô cùng bức xúc, thậm chí tức giận.
Chị
Trần Thị Nguyệt, một phụ huynh bức xúc cho biết, đầu tháng 4 vừa qua,
khi trường vỡ nợ, theo lời vận động từ trường và Sở GD&ĐT TPHCM chị
đã đóng phí thêm 3 tháng với mong muốn con duy trì việc học hết năm.
Chị là một trong nhiều phụ huynh đã đóng góp hơn 30 tỷ đồng vào tài khoản đồng sở hữu này nhằm cứu con, cứu trường.
"Tôi đã đóng tiền để con duy trì việc học thêm 3 tháng cuối năm học nhưng cháu đã phải nghỉ hè sớm. Giờ trường muốn vay số tiền này để đóng phí IB cho học sinh lớp 12 là không chấp nhận nổi", chị Nguyệt bức bối.
Theo
chị Nguyệt, không thể có việc lấy tiền chung của phụ huynh dùng đóng
riêng cho học sinh khối 12 thi IB. Đây là việc chi sai mục đích khoản
tiền đóng góp mà với không ít phụ huynh đã như bị "vắt kiệt sức" trong
hành trình bấp bênh tại trường.
Chị Nguyệt cho rằng, chí ít lúc số
tiền dư 2 tỷ đồng trong tài khoản tổ liên ngành cần trả lại cho phụ
huynh đã đóng theo tỷ lệ chứ không phải là chi sai mục đích.
Chị
Trần Thúy Hằng có hai con nhập học vào Trường Quốc tế Mỹ đầu năm học này
theo gói không hoàn lại. Vào tháng 10/2023, chị đã cùng nhiều phụ huynh
đóng tiền hỗ trợ trường duy trì việc học đến Tết.
Đợt trường kêu
gọi phụ huynh đóng 125 tỷ đồng vào cuối tháng 3 vừa rồi, chị Hằng đã
đóng đủ toàn bộ 3 tháng cho hai con với tổng số tiền 150 triệu đồng với
mong muốn trường duy trì hoạt động đến tháng 6/2024.
Chị Hằng nói
về tình cảnh đi học lại được vài tuần thời điểm đó: "Thiếu giáo viên,
kiến thức chắp vá. Như khối lớp 1 con tôi, một giáo viên nước ngoài cho
cả 3 lớp, dồn học sinh lại chủ yếu là để giữ trẻ chứ không phải dạy
học".
Từ lúc đó, chị Hằng đã thấy rất bất bình khi nhiều người
không đóng tiền, con họ vẫn đi học bình thường bằng số tiền của những
phụ huynh đóng góp.
Và giờ chị lại nghe tin trường muốn mượn số
tiền dư trong tài khoản đóng góp này để đóng phí IB cho học sinh lớp 12.
Với chị, điều này quá bất công với những phụ huynh đóng tiền.
Một
phụ huynh khác bày tỏ: "Các học sinh khối nhỏ phải nghỉ học sớm, giờ
lại phải gánh phần phí IB cho lớp 12 là không công bằng, quá bất công.
Sao không đề xuất thu từ khối 12 mà lại đi vay quỹ của phụ huynh đóng
góp? Nhìn vào thực tế, trường làm gì có tiền để hoàn trả mà bảo vay, bảo
ứng?".
Theo phụ huynh này, nếu tổ liên ngành chấp nhận cho trường
mượn để đóng phí thi IB cho học sinh khối 12 nghĩa là phần chi này đã
sai mục đích vận động ban đầu.
Là một trong hàng trăm phụ huynh
tham gia đóng góp, người này không đồng ý đưa khoản tiền này sử dụng cho
mục đích khác với kế hoạch ban đầu.
"Đó là tiền của chúng tôi
đóng vào. Nếu nói tình thế cấp bách phải vay thì trường và tổ liên ngành
đã hỏi ý kiến phụ huynh đóng tiền chưa?", người này đặt câu hỏi.
Về
đề nghị của Trường Quốc tế Mỹ tạm ứng hơn 1,3 tỷ đồng từ tài khoản của
tổ liên ngành để đóng phí IB cho học sinh lớp 12, Sở GD&ĐT TPHCM cho
rằng trường đưa ra đề nghị khi chưa thực hiện tổ chức tiếp xúc phụ
huynh để vận động thu như cam kết là đang cố tình đẩy trách nhiệm về tổ
công tác liên ngành.
Ngoài ra, khoản chi phí này nhà trường thu
của phụ huynh trước ngày tạo lập tài khoản của tổ liên ngành là trách
nhiệm của nhà trường đối với phụ huynh.
Số tiền phát sinh trên tài
khoản được thống nhất tạo lập giữa 3 bên là số tiền phụ huynh các khối
lớp từ mầm non đến khối 12 đóng góp nhằm duy trì hoạt động của nhà
trường cho đến hết năm học 2023-2024.
Hiện tại, số dư trong tài
khoản không đủ chi cho các nội dung hoạt động thiết yếu của nhà trường
như tạm ứng chi trả lương tháng 4/2024 cho đội ngũ giáo viên, nhân viên
và người lao động…
Do đó, tổ công tác liên ngành nhận thấy việc
chi tạm ứng số tiền thi IB cho học sinh lớp 12 theo đề nghị của nhà
trường là không khả thi, không phù hợp với tình hình thực tế.
Chưa kể, trường này cũng tiếp tục không thực hiện cam kết về việc bổ sung vốn lưu động (4 tỷ) vào tài khoản của tổ liên ngành.
Trước
đó, vào cuối tháng 3/2024, do mất khả năng tài chính, Trường Quốc tế Mỹ
kêu gọi phụ huynh đóng góp thêm 125 tỷ đồng duy trì vận hành thêm 3
tháng để kết thúc năm học.
Phụ huynh trường này tiếp tục đóng được hơn 30 tỷ đồng vào tài khoản của tổ liên ngành.
Đến
ngày 26/4, trường này phải cho học sinh nghỉ hè sớm vì hết tiền trả
lương cho giáo viên, không thể tổ chức các hoạt động giáo dục. Riêng học
sinh khối 12 chương trình Tú tài quốc tế IB sẽ học đến ngày 17/5.
Được biết , tính đến ngày 4/5, tài khoản của tổ liên ngành còn 2,1 tỷ đồng.