Tại
lễ ra mắt trọn bộ sách "Lịch sử văn minh thế giới" vừa diễn ra tại
TPHCM, hàng trăm người tham dự dành phút mặc niệm tưởng nhớ hai dịch giả
tham gia dịch thuật công trình này.
Ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Giáo dục
IRED ,cho biết công trình dịch thuật tác phẩm gồm 45 quyển của sử gia
Will Durant kéo dài trong 7 năm với sự tham gia của nhiều dịch giả.
"Hai
dịch giả đã không thể có mặt ngày hôm nay, đã không kịp chờ đến ngày bộ
sách hoàn thiện. Đó là dịch giả Huỳnh Ngọc Chiến qua đời 3 năm trước và
dịch giả Mai Sơn vừa từ giã cõi trần", ông Trung bày tỏ.
Tác giả
Will Durant đã dồn tâm sức và làm việc miệt mài trong suốt nửa thế kỷ
(từ 1929 đến 1975) để hoàn thành bộ sách "Lịch sử văn minh thế giới".
Đến nay, sách đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ, xuất bản ở nhiều nước trên
thế giới, có mặt tại vô số thư viện lớn nhỏ trên khắp toàn cầu và cả
trong các tủ sách gia đình.
Với việc dịch bộ sách này ra tiếng
Việt, theo nhà giáo dục Giản Tư Trung góp phần giúp người dân nâng cao
kiến thức và cảm thức về các nền văn minh quan trọng nhất trong lịch sử
nhân loại, qua đó, rút ra bài học quý giá cho chính bản thân và cho cả
dân tộc.
Nói
về việc học sử trong nhà trường hiện nay, nhà giáo dục Giản Tư Trung
khẳng định: "Học sinh có thể không thích môn sử chứ không phải không
thích lịch sử".
Cảm phục những nhà làm sách đưa công trình lịch sử
này về Việt Nam, TS Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học
Hoa Sen, thêm ngậm ngùi về thực tế một đất nước trăm triệu dân nhưng mỗi
bản sách thường chỉ in ngàn cuốn mà không biết lúc nào mới bán hết.
Ngay
cả những đầu sách quý, được đặt trên kệ ở thư viện, theo bà Phượng cũng
chưa thể yên tâm vì "sách vào thư viện chứ chưa chắc đã có người đọc".
TS Bùi Trân Phượng nêu quan điểm, ai cũng cần đọc sách
để nâng cao dân trí nhưng hai đối tượng cần đọc sách nhiều nhất phải là
thế hệ trẻ - những người làm chủ tương lai của đất nước - và thầy cô
giáo - những người đứng trên bục giảng.
"Thầy cô không đọc sách
thì thầy cô lấy gì để dạy học trò. Giờ chúng ta đã xóa nạn được nạn mù
chữ, chỉ cần biết chữ là có thể đọc sách nhưng bao nhiêu người dùng công
cụ biết chữ để thật sự đọc sách?", TS Bùi Trân Phượng tâm tư.
Theo
Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện chỉ có 30% số người đọc
sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách.
Số
liệu trước đó của Cục Xuất bản Việt Nam, bình quân mỗi năm Việt Nam
xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách, bình quân 4 đầu sách/người. Nhưng
đáng chú ý, sách giáo khoa, sách tham khảo học đường trên 300 triệu bản,
chiếm đến 80% số lượng sách trên thị trường.
Tại một tọa đàm về
đưa sách vào trường học, quản lý một trường học ở TPHCM nghẹn ngào cảnh
báo thực trạng các nhà quản lý giáo dục chỉ chú trọng đến tỷ lệ lên lớp,
thành tích ở các kỳ thi; còn thầy cô cũng tập trung hết cho việc hoàn
thành chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu.
Theo bà, trong trường học
ngay cả thầy cô cũng rất ít người có thói quen đọc sách. Còn học sinh
của chúng ta chỉ thuần túy đọc và học sách giáo dục, học thuộc lòng đề
cương, học thuộc lòng cả bài văn mẫu.
Hay
như câu hỏi đầy trăn trở của nhà văn Trần Nhã Thụy: "Thầy cô chúng ta
có đọc sách không?", đi cùng là nỗi đau về văn hóa đọc từ chính thực
trạng đọc sách của chính các thầy cô giáo.