Năm 2009, trong Thông tư ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GD&ĐT yêu cầu trường đại học phải công khai chất lượng giáo dục thực tế hàng năm.
Chất lượng giáo dục thực tế được nhìn nhận ở quy mô đào tạo hiện tại và thông tin về sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường.
Tuy
nhiên, lâu nay, yêu cầu này bị nhiều trường bỏ trống hoặc "lờ" đi.
Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải công bố tỷ lệ
sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong hai năm gần nhất trong đề án tuyển sinh.
Quy
định được áp dụng nhưng khi những số liệu được các trường công bố lại
làm nhiều người phải giật mình, nghi hoặc vì những con số "phải nói
là... trong mơ".
Gần như cứ ra trường là có việc làm
Theo
báo cáo từ hàng loạt trường đại học, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc
làm cao ngất ngưởng, nhiều ngành sinh viên cứ "ra đến đâu hết đến đó".
Báo cáo mới nhất trong đề án tuyển sinh của trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM, hàng loạt ngành nghề đào tạo có tỷ lệ 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm. Những ngành có tỷ lệ việc làm trên 90% thì nhiều vô kể.
Cụ
thể, vào năm 2021, 100% sinh viên khóa 2016 ra trường có việc làm sau
một năm tốt nghiệp gồm các ngành hải dương học, ngành khoa học máy tính
(chương trình tiên tiến) và ngành công nghệ thông tin (chương trình chất
lượng cao).
Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 1 năm tốt
nghiệp với nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin là 99%, ngành kỹ
thuật điện tử - viễn thông cũng 97,37%.
Ngành có tỷ lệ việc làm
thấp nhất trong khóa này là địa chất học cũng tới 86,21%, ngành công
nghệ kỹ thuật hóa học (chương trình chất lượng cao) 86,36%.
Năm
2022, với sinh viên khóa 2017, có 4 ngành mà 100% sinh viên có việc làm
sau một năm ra trường, gồm vật lý, hóa học, toán học, công nghệ kỹ thuật
môi trường.
Tỷ lệ có việc làm thấp nhất của khóa này là ngành công nghệ kỹ thuật hóa học (chương trình chất lượng cao), đạt 75%.
Theo lãnh đạo nhà trường, tỷ lệ này được tính dựa trên số sinh viên tốt nghiệp có phản hồi.
PGS.TS
Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng trường ĐH Luật TPHCM thông tin, tỷ lệ
sinh viên trường có việc làm tại trường trong năm đầu tiên tốt nghiệp
là 92,44%, trong đó 11% sinh viên có việc trước tốt nghiệp.
Cụ
thể, sinh viên ra trường có việc làm ở ngành luật là 92,45%; ngành quản
trị - luật là 90%; ngành quản trị kinh doanh là 94,23%. Riêng ngành ngôn
ngữ Anh 100% sinh viên ra trường có việc làm.
Tại trường ĐH Mở
TPHCM, theo lãnh đạo nhà trường, năm 2022 do tác động của dịch bệnh
Covid-19, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp chỉ đạt
89%, thấp hơn các năm trước đó. Đây được xem là một trong số hiếm trường
đại học công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm khá... khiêm tốn.
Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trong năm đầu tiên tốt nghiệp tại trường ĐH Bách khoa TPHCM ở mức 98%.
Tỷ
lệ sinh viên ra trường có việc làm theo báo cáo của các trường tư thục
cũng không hề kém cạnh. Thông tin từ trường ĐH Tài chính - Kinh tế
TPHCM, hơn 95% sinh viên ra trường có việc làm trước khi nhận bằng tốt
nghiệp chính thức. Trong đó có hơn 60% sinh viên được các doanh nghiệp
giữ lại trong quá trình thực tập.
Thống kê của trường ĐH Văn Hiến, 95% sinh viên ra tốt nghiệp ra trường đã có việc làm.
Những
con số theo báo cáo của các trường gây nghi ngờ vì có khoảng cách khá
lớn so với báo cáo phân tích về giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 do
nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổng hợp số liệu từ
181 trường đại học và 40 trường cao đẳng.
Cụ thể, báo cáo này cho thấy, tỷ lệ sinh viên đại học có việc làm so với tổng sinh viên tốt nghiệp năm 2018 đạt khoảng 65,5%.
Trong
khi đó, trong lần đính chính về số liệu tỷ lệ sinh viên thất nghiệp
được công bố tại một hội thảo vào cuối năm 2022, Bộ GD&ĐT dẫn số
liệu từ Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong số 1,2 triệu người thất nghiệp,
số người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 30,8%, tức là
khoảng 369.600 người.
Số liệu đẹp, thực tế khác?
Có
nhiều số liệu khác nhau về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, thất
nghiệp. Có thể nhận thấy, con số của các trường đều thống nhất "màu
hồng", trong khi thực tế việc làm, tình trạng thất nghiệp trên thị
trường lao động không sáng sủa được như vậy.
Theo báo cáo của
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, tính đến hết năm 2022, TPHCM
có gần 104.000 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tham gia bảo hiểm thất
nghiệp với gần 2,5 triệu lao động.
Trong năm 2022 có 151.721 lao
động mất việc, nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và 146.285
người đủ điều kiện, đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điểm
đáng chú ý, trong số này có đến 45.543 lao động có trình độ đại học và
trên đại học (chiếm tỷ lệ 31,14%).
Khảo sát nhu cầu lao động năm
2022 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao
động TPHCM cho thấy một khía cạnh khác.
Doanh nghiệp có nhu cầu
nhân lực trình độ đại học trở lên là 20,19% tổng nhu cầu nhân lực; nhu
cầu nhân lực trình độ nghề lại chiếm đến 65,59% (cao đẳng là 19,55%,
trung cấp là 28,64%, sơ cấp là 17,4%).
Nhưng thực tế, có đến
78,86% tổng số người tìm việc làm có trình độ đại học trở lên. Số người
trình độ nghề đi tìm việc chỉ chiếm 18,68% tổng nguồn cung nhân lực (bao
gồm cao đẳng là 13,93%, trung cấp là 3,14%, sơ cấp là 1,61%).
Nói
về tỷ lệ sinh viên có việc làm cao ngất ngưởng trong các báo cáo, quản
lý một trường đại học ở TPHCM phân tích, có thể tỷ lệ sinh viên ra
trường có việc làm tại nhiều trường cao nhưng rất khó để các con số đẹp
đến mức "rất hiếm sinh viên thất nghiệp".
Tỷ
lệ sinh viên có việc làm cao, theo ông có thể còn xuất phát từ độ chênh
trong quan niệm "thế nào là có việc làm". Sinh viên ra trường chạy xe
ôm công nghệ, ship hàng, đi làm thời vụ như giúp việc nhà, đi gia sư...
không đúng với ngành nghề đào tạo nhưng có thể vẫn được coi là "có việc
làm" thì tỷ lệ 100% cũng không khó hiểu. Thực tế, trừ những trường hợp
được bố mẹ nuôi, không đi làm thì sinh viên nào học xong cũng phải mưu
sinh kiếm sống.
Còn nói về chất lượng đào tạo, mức độ được thị
trường tiếp nhận thì nhà quản lý nói trên lắc đầu với "những con số long
lanh" từ các trường