Vụ việc một trẻ mẫu
giáo ở Thái Bình tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón một lần nữa là
hồi chuông cảnh báo về đảm bảo an toàn cho học sinh.
Bấm còi, đèn khẩn cấp khi cần thiết
ThS
Đinh Văn Mãi, chuyên ngành công tác xã hội, giảng viên Trường Đại học
Văn Lang, cho biết trẻ em có thể đối diện với nhiều tình huống nguy hiểm
xảy ra khi vui chơi, học tập, tham gia các hoạt động xã hội.
Với
độ tuổi nhỏ, chưa nhận thức được những nguy hiểm xung quanh cũng như sự
tò mò, hiếu kỳ của mình, trẻ cần nhận được sự hỗ trợ, chỉ dẫn của phụ
huynh, giáo viên để trẻ hiểu và phòng tránh những tình huống nguy hiểm
này.
"Việc đầu tiên là phụ huynh và giáo viên hướng dẫn trẻ cách giữ bình tĩnh để không hoảng loạn, từ đó có thể nghĩ ra cách để thoát hiểm", ông Mãi nhấn mạnh.
Theo
ông Mãi, với tình huống bị bỏ quên trên xe, phụ huynh và giáo viên có
thể hướng dẫn cho trẻ tự bảo vệ và thoát khỏi nguy hiểm như dạy cách mở
cửa xe từ bên trong bao gồm việc mở khóa cửa, thoát các khóa an toàn.
Ở
nhiều dòng xe hiện nay, nút mở cửa bên hông ghế của tài xế thường sẽ có
2 nút bấm có hình ổ khóa mở và ổ khóa đóng. Trẻ em chỉ cần bấm vào nút ổ
khóa mở, sau đó kéo tay cầm cửa hướng ra ngoài và đẩy ra là mở được
cửa.
Cách khác là hướng dẫn trẻ đến khu vực cửa dễ quan sát nhất,
gõ mạnh để gây sự chú ý từ bên ngoài, đồng thời hướng dẫn trẻ bình tĩnh
tìm vật dụng trong xe như đồ chơi, sách vở để gõ cửa sổ và tạo tiếng
động lớn.
Ngoài ra, trẻ có thể bấm còi xe hoặc bấm đèn khẩn cấp để
thu hút sự chú ý của người xung quanh. Với nhiều dòng xe hiện nay, còi
xe dùng nguồn điện kết nối trực tiếp với bình ắc quy nên có thể cung cấp
nguồn điện cho còi bấm trong nhiều giờ liên tục dù đã tắt máy, rút chìa
khóa.
ThS Đinh Văn Mãi cũng nhắc đến các thiết bị điện thoại di
động, đồng hồ thông minh được phụ huynh trang bị cho trẻ. Cha mẹ hãy
hướng dẫn trẻ gọi điện tới số khẩn cấp hoặc liên lạc với người lớn khi
nguy hiểm.
Theo
vị giảng viên, những hướng dẫn này cần được phụ huynh và nhà trường tổ
chức, lồng ghép trong các buổi học kỹ năng sống, kết hợp với thực
hành tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, phụ huynh,
giáo viên và các bộ phận liên quan cần được tập huấn về kỹ năng giám sát
trẻ cũng như biện pháp an toàn và kiểm tra xe sau mỗi chuyến đi.
Tăng cường kiểm tra chéo
ThS
Trần Hải Nguyên, Giám đốc Học viện Hoa Sơn Chi, chuyên đào tạo kỹ năng
sống, cảnh báo thêm về tình trạng trẻ thường lên xe sẽ ngủ, nhất là vào
thời điểm sáng sớm đi học. Lúc này, trẻ sẽ không thể chủ động giải cứu
mình.
Vì thế, để đảm bảo an toàn cho trẻ, điều đầu tiên là các cơ sở giáo dục
cần phải xây dựng và thực hiện được nền tảng, quy trình đưa đón trẻ an
toàn. Ông Nguyên nhận định, hiện nay, cơ bản các đơn vị đều có quy trình
đưa đón nhưng đôi khi còn chung chung, vẫn có những lỗ hổng để xảy ra
rủi ro.
Tiếp đến, trên xe đưa đón trẻ cần phải trang bị các công
cụ liên quan, chẳng hạn như camera trên xe, còi báo khẩn cấp, búa cứu
hộ.
Đối
với dịch vụ đưa đón, phụ huynh cần được thông tin nếu con nghỉ học. Khi
đưa đón, quản sinh phải kiểm tra xe, cập nhật thông số các bé và trong
vòng 15-30 phút sau phải thông tin cho giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh về
tình hình đến lớp của trẻ.
Đối với tài xế, ThS Trần Hải Nguyên
nhấn mạnh tới việc phải kiểm tra an toàn trước, trong quá trình di
chuyển và sau khi các con đã rời xe.
Đặc biệt, ông Nguyên cho rằng
cần bổ sung vai trò của bảo vệ nhà trường trong việc kiểm soát xe đỗ
trong khuôn viên trường, kiểm tra chéo, kiểm tra điều kiện đảm bảo an
toàn cho trẻ trong mỗi ca trực hoặc định kỳ 1-2 tiếng theo quy trình đảm
bảo an toàn của nhà trường.
Vị chuyên gia kỹ năng sống chỉ ra
tầm quan trọng trong việc gia đình, nhà trường cùng giáo dục cho trẻ
việc lên xe, xuống xe và ý thức bao quanh.
"Chúng ta nên dạy cho
trẻ hiểu về các chức năng an toàn và khẩn cấp trên xe. Người lớn dạy trẻ
quy tắc an toàn khi xuống xe hoặc lên xe, chú ý tới không gian xe, vị
trí chỗ ngồi, tránh những hành vi không phù hợp có thể ảnh hưởng tới an
toàn, chẳng hạn như đứng lên, thò đầu, thò chân tay ra ngoài...", ThS
Nguyên bày tỏ.
Ngoài ra, ông nhắc người lớn dạy các con biết đưa ý
kiến khi có điều bất thường, chẳng hạn như trẻ cảm thấy khó chịu trong
người, thấy vị trí ngồi của mình khác lạ, không an toàn...
Các
con cũng phải quan tâm tới bạn ngồi kế bên và xung quanh mình, kiểm tra
người bên cạnh của mình đã có mặt chưa, đã xuống xe chưa...
Hai
chuyên gia nhận định dù các nhà trường đã bổ sung tiết học về kỹ năng
sống song hiệu quả còn chưa cao. Theo ông Nguyên, hạn chế này do các con
thường chỉ được tiếp nhận lý thuyết thông qua bài giảng của thầy cô,
xem hình ảnh trên sách vở, tivi.
"Do không đủ thời lượng giảng
dạy, kinh nghiệm, điều kiện trang thiết bị... nên giáo viên khó có thể
cho tất cả trẻ thực hành xử lý tình huống. Điều này dẫn tới việc các con
có biết nguy hiểm, biết cách thoát thân trên lý thuyết nhưng vẫn không
xử lý được. Đây là điểm khuyết rất lớn mà mình cần phải bổ sung", ThS
Nguyên nêu vấn đề.
Từ đó, các chuyên gia cho rằng gia đình, nhà
trường cần trang bị một cách đầy đủ, nghiêm túc về kỹ năng đảm bảo an
toàn cho trẻ. Trong giáo dục, cần mở rộng thêm và tạo điều kiện cho các
bên có chuyên môn cùng tham gia, đồng hành để dạy kỹ năng sống cho các
con.