Tại hội thảo "Thành tích học tập bậc phổ thông dưới góc nhìn đổi mới tuyển sinh
đại học" vừa được trường PTLC Edison tổ chức ở Hà Nội, một số chuyên
gia cho rằng, cách đánh giá đầu vào đại học hiện nay có rất nhiều hình
thức khác nhau, không có sự phân định rạch ròi một cách cực đoan, cứng
nhắc giữa kiến thức và năng lực.
Điều quan trọng nhất trong giáo
dục, hay đích đến cuối cùng của giáo dục là nhằm phát triển con người,
phát triển một cá nhân trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình,
ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, ngày mai tốt hơn ngày hôm nay.
Không nên quan trọng trường chuyên lớp chọn
Theo
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo- Giám đốc Trung tâm đánh giá năng lực (Đại học
Quốc gia Hà Nội), có nhiều cách thông thường để tiếp cận khái niệm học
sinh giỏi.
Nhìn chung trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay, thầy cô đều muốn học trò điểm cao, ra đề bài khó dần để cố gắng cho các em thi đạt các giải.
Hầu hết giáo dục ở trường công của chúng ta vẫn nặng về thành tích, ngay cả phụ huynh cũng muốn con phải điểm cao và điểm cao thì mới là học tập tốt.
"Chúng
ta đang bàn luận chủ đề thành tích học tập ảnh hưởng đến kết quả tuyển
sinh sau này. Nếu chúng ta có thể vào được đại học, ra đời làm việc
nhưng hãy nhìn vào thực tế, nếu một ngày có 8 tiếng làm một công việc mà
mình không thích thì rất khủng khiếp nhưng nếu mình thích thì thời gian
trôi rất nhanh.
Theo
tôi, học sinh dù ở bậc nào theo đuổi cái mình thích và sáng tạo vì nó,
cuộc sống sẽ đa dạng, muôn màu và sẽ trở nên tươi đẹp hơn rất nhiều.
Tôi
cũng mong các phụ huynh cũng thay đổi cái nhìn, không nên quá xem trọng
chuyện ở trường chuyên, lớp chọn hay là giải nọ giải kia cho học sinh",
GS Thảo nói.
Bà Hồ Thu Lê, đồng sáng lập kiêm CFO Tomochain Labs
thừa nhận, bản thân mình cũng là sản phẩm của trường chuyên lớp chọn,
cho đến khi đi thi đại học cũng chẳng biết mình thích gì.
Chuyên gia này cho rằng, thiếu sót từ cả góc độ phụ huynh và hệ thống giáo dục là không có định hướng cho học sinh.
"Dưới
góc độ là phụ huynh có một con đang học lớp 12, mình cũng thay đổi rất
nhiều, không nên gây áp lực và bao giờ cũng nói với các con là không
quan tâm tới điểm số.
Tuy nhiên, có một điều cơ bản các bạn thấy,
đó là hồ sơ các bạn đẹp thì khả năng các bạn vào được trường bạn thích
sẽ tốt hơn. Điều đó có nghĩa là gì? Là các bạn phải nỗ lực cố gắng tốt
nhất trong cái năng lực của mình", bà Thu Lê nói.
Trả lời câu hỏi"
"Mục tiêu của giáo dục hướng tới thành tích hay niềm hạnh phúc? Căn
bệnh thành tích hay những định kiến xã hội thành tích học tập hiện đã
thuyên giảm chưa?
Cô
Lê Tuệ Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Phổ thông liên cấp Edison cho
hay, mình may mắn vì không học trường chuyên lớp chọn nên bà không có
định kiến, rào cản nào về thành tích của học sinh.
Do đó, bà mong
muốn kết nối cho học sinh đến những nguồn lực, những diễn giả, những con
người có thể chia sẻ cho các em về chặng đường sắp tới các em đang làm
gì? Mục tiêu của các em là gì? Định hướng của các em là gì? Mong muốn
của các em là gì và các em sẽ thực hiện nó như thế nào, không phải do
ông bà hay cha mẹ định hướng.
Học giỏi nhưng điểm thi đại học không cao: Vì sao?
Trả
lời câu hỏi: "Khi tiếp xúc với những sinh viên theo hai phương thức
tuyển sinh cũ và mới, các chuyên gia nhận thấy có những đặc điểm gì"?
PGS.TS
Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Viện trưởng Viện đào tạo Báo chí và Truyền
thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) hóm
hỉnh cho hay, cứ đến mỗi thời điểm công bố điểm chuẩn tuyển sinh, bà
luôn hoảng hốt.
Hoảng hốt bởi lẽ nếu như tính cách thi ngày xưa theo khối A, B, C, D thì bà sẽ trượt, trượt rất xa.
"Thời
gian gần đây, sinh viên của chúng tôi điểm gần như tuyệt đối 29 - 30
điểm. Ví dụ ngành của tôi là 29,5 điểm mới đỗ trong khi ngày xưa tôi
21,5 điểm đã thủ khoa. Vậy nên tôi hoảng lắm", bà Huyền chia sẻ.
Chuyên gia này chia sẻ rằng, nhiều
sinh viên vào trường với điểm đầu vào quá cao nên thường đầy tự hào và
cũng có những ảo tưởng, rằng mình là những người giỏi nhất nước thì mới
vào được khoa này.
"Thế nhưng đến kì thi học kỳ 1, các em nhìn tôi bằng một ánh mắt hết sức thất vọng và buồn bực như thể mình bị oan.
Chúng
tôi có trò chuyện, hỏi các em cảm nhận như thế nào về học kỳ đầu tiên
của đời sinh viên, em có hài lòng hay không? Phần lớn là thất vọng.
Các
em bảo rằng không thể tưởng tượng được ở phổ thông mình học giỏi thế,
điểm tốt thế, được tuyển thẳng và có rất nhiều giải như thế mà tại sao
điểm môn của nhiều môn lại thấp như vậy"? TS Huyền cho biết.
Cũng
theo TS Huyền, đặc biệt có một bất ngờ là những bạn có kết quả tốt của
đại học không phải là những sinh viên tuyển thẳng hay điểm cao chót vót ở
hồi phổ thông mà các bạn ấy là những người biết mình muốn gì, mình
thích gì, có niềm đam mê và dấn thân, các bạn sẽ tìm đến thành công tốt
hơn so với nhóm không biết phương hướng, cứ điểm thấp thì thất vọng.
Về
điều này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng, dù là chương trình phổ thông
cũ hay mới thì khi tốt nghiệp bậc THPT, thí sinh cần đạt được những
năng lực gì về xử lý số liệu, về tư duy, về logic hay là về ngôn ngữ, về
hành văn, ngữ pháp hay khoa học tự nhiên, khoa học xã hội…
Trong
khi đó bài thi đại học không chỉ đòi hỏi là phải nhớ kiến thức, bởi nếu
một công thức chỉ thuộc làu làu mà không biết nó để làm gì, được ứng
dụng như thế nào trong cuộc sống thì cũng không được cho là hiểu vấn đề.
Ngược
lại, nếu thí sinh thể hiện được hiểu biết đó chứng tỏ bạn lột tả được
năng lực bên trong bạn, lúc đó, các trường sẽ khai thác các nhóm năng
lực cần thiết để tuyển chọn.
"Tôi
đã từng gặp rất nhiều bạn sinh viên ngành y, điểm đầu vào rất cao và
học rất tốt, thậm chí được giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được
tuyển thẳng vào nhưng vào rồi lại không muốn, bởi đam mê của bạn là ở
lĩnh vực khác.
Người làm công tác tuyển sinh sẽ thích thú hơn rất
nhiều khi tuyển được những người phù hợp, yêu thích ngành học. Chỉ như
vậy mới có hy vọng ra trường các bạn mới đổi mới sáng tạo hay khởi
nghiệp", thầy Thảo chia sẻ.
Cũng dưới góc nhìn này, cô Tuệ Minh
cho rằng, những học sinh chuyên rõ ràng là những bạn xuất sắc, tỉ lệ
thành công ở những em này cao hơn so với bình thường bởi thực tế các em
phải vượt qua rất nhiều vòng tuyển chọn.
Tuy nhiên, nếu trước đây
chúng ta chỉ đề cao khái niệm trí thông minh về mặt trí tuệ (IQ) thì bây
giờ có rất nhiều trí thông minh khác được đưa ra đánh giá, như trí
thông minh về mặt cảm xúc (EQ).
Càng ngày xã hội càng đánh giá
đúng thực lực của mỗi người chứ không phải đánh giá thông qua một nền
tảng nào, hay cái mác trường trung học phổ thông đại học hay cao học nào
cả.
Tại hội thảo, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, không có
sự phân định rạch ròi một cách rất cực đoan, cứng nhắc giữa kiến thức và
năng lực.
Điều quan trọng nhất trong giáo dục, hay đích đến cuối
cùng của giáo dục là nhằm phát triển con người, phát triển một cá nhân
trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình, ngày hôm nay tốt hơn
ngày hôm qua, ngày mai tốt hơn ngày hôm nay