Liên quan đến thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng lộ đề thi ngữ văn ở kỳ thi vào lớp 10
khiến sở này phải thay toàn bộ bằng đề dự phòng lúc 5h sáng, trưa nay
(9/6), Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi Công an Thành phố Hà Nội.
Theo
sở này, các thông tin lan truyền trên đây không đúng sự thật, gây hoang
mang dư luận xã hội, ảnh hưởng đến công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT 2024-2025 của TP Hà Nội.
Trên
cơ sở đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị xác minh làm rõ các thông tin
trên, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Dân trí,
một nguồn tin từ cơ quan điều tra cho biết, đơn vị này đã vào cuộc vụ
tung tin lộ đề thi môn ngữ văn, kỳ thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội trên
mạng xã hội, ban đầu xác nhận đây là tin đồn thất thiệt.
"Chúng
tôi đang truy vết, xác minh nguồn phát tán thông tin trên mạng xã hội để
tìm đối tượng phát tán thông tin và xử lý theo quy định hiện hành",
nguồn tin cho biết.
Như Dân trí
phản ánh trước đó, tối 8/6, sau khi thí sinh tại Hà Nội hoàn thành bài
thi vào lớp 10 hai môn ngữ văn và ngoại ngữ, mạng xã hội râm ran thông
tin lộ đề thi ngữ văn.
Theo một tài khoản đăng tải trên nhóm Zalo,
đề thi ngữ văn ban đầu dự kiến nằm trong tác phẩm "Bếp lửa" của Bằng
Việt, đề thi nghị luận bàn về lòng dũng cảm. "Do lộ đề nên 5h ngày 8/6,
trước khi thi môn ngữ văn, toàn bộ đề thi đã được thay mới, kể cả đề
toán và tiếng Anh", tài khoản này viết.
Trả lời phóng viên Dân trí sáng nay, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thông tin trên mạng xã hội hoàn toàn không chính xác.
"Quy
trình làm đề rất chặt chẽ, có lực lượng an ninh bảo vệ nghiêm ngặt. Đặc
biệt với hội đồng ra đề, quy trình bảo mật càng được thắt chặt đúng
theo quy định, "nội bất xuất ngoại bất nhập".
Các đề thi sau khi
biên soạn, được hội đồng đề nghiên cứu kĩ lưỡng sau khi công bố chính
thức. Đề chính thức được in sao và lực lượng an ninh vận chuyển về các
quận huyện chính thức một ngày. Tất cả những nơi bảo quản đề thi đều có
lực lượng an ninh bảo vệ, có camera theo dõi.
Do vậy, thông tin
đồn đoán trên mạng xã hội về việc lộ đề hoàn toàn không chính xác, gây
hoang mang dư luận", lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết.
Trả lời phóng viên Dân trí,
TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn luật
sư TP Hà Nội, trường hợp kết quả xác minh cho thấy thông tin là sai sự
thật nhưng hậu quả chưa đến mức ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an
toàn xã hội, người đưa thông tin sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến
10.000.000 đồng đối với cá nhân, nếu với tổ chức thì sẽ phạt từ
10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Điều 101, Nghị
định số 15/2020/NĐ-CP.
Cụ
thể, theo khoản 1, khoản 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức xử
phạt dành cho hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật lên mạng xã hội được
quy định cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến
20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một
trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin
sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức,
danh dự, nhân phẩm của cá nhân…". Mức phạt này được áp dụng với tổ chức
vi phạm, với cá nhân thì mức xử phạt sẽ bằng một phần hai mức phạt nêu
trên.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy thông tin phải đổi đề
dự phòng vì lộ đề là sai sự thật và hậu quả được xác định là ảnh hưởng
xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang trong dư luận xã
hội, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội lợi dụng
quyền tự do dân chủ theo điều 331 bộ luật hình sự hoặc tội đưa thông tin
trái phép trên mạng internet theo điều 288 bộ luật hình sự.
"Cơ
quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ nguồn thông tin, đánh giá
tác động của thông tin này đối với xã hội để có hình thức xử lý phù hợp
với quy định của pháp luật.
Trường hợp thông tin là thật, Sở
GD&ĐT Hà Nội cũng có thể công bố thông tin sau khi kết thúc môn thi
cuối cùng, đồng thời xem xét trách nhiệm của cơ quan tổ chức cá nhân để
xử lý theo quy định của pháp luật", LS Cường nói.