Cách
đây mấy ngày, chị Nguyễn Thị Hòa, ở TP Thủ Đức, TPHCM biết kết quả học
kỳ 2 một số môn của con gái học lớp 3. Đặc biệt hơn những lần trước, học
kỳ này lần đầu tiên trong đời cháu có điểm 10, điểm 10 này ở môn ICT
(tin học).
Sung
sướng nhìn điểm 10 đầu đời của con, chị Hòa cười tủm tỉm khi nghĩ về
nội dung mình chuẩn bị đăng lên trang Facebook cá nhân: "Ôi, lời nguyền
con đi học chưa bao giờ đạt điểm 10 của tôi đã đến ngày bị phá vỡ".
Tuy
nhiên, lúc đó đang dở việc nên chị chưa kịp đăng dòng trạng thái hạnh
phúc lên mạng xã hội. Tối đó, ăn cơm xong, khi đang chuẩn bị đăng bài
khoe, chị buột miệng hỏi con gái đang ngồi đọc sách: "Mẹ khoe điểm 10
của con lên mạng nha Vy?".
Con chị đặt cuốn sách xuống bàn, nhìn sang mẹ, nói đúng một câu: "Mẹ cho con quyền riêng tư đi mẹ".
Thật
ra, chị Hòa lỡ miệng hỏi con chứ câu hỏi này không xuất phát từ một ý
định nghiêm túc. Trước giờ, chị vẫn đăng hình ảnh, thông tin nhan nhản
về con mà không cần biết con nghĩ gì, con đồng ý hay không.
Nghe
con nói vậy, người mẹ chùng xuống, hỏi lại: "Sao con không thích mẹ khoe
điểm con lên mạng?". Cháu đáp ngắn gọn: "Vì con không thích như vậy".
Chị
Hòa cầm điện thoại chỉnh bức ảnh chụp suất ăn kiêng trong bữa tối của
mình rồi đăng lên nhằm kiềm chế cho cơn thèm khoe điểm con.
Sau
câu chuyện ấy, chị ngẫm nghĩ đến hiện tượng sau mỗi học kỳ, kỳ thi lại
nô nức cảnh bố mẹ khoe điểm con, bảng điểm của trẻ tràn ngập trên mạng
xã hội.
Chị không đánh giá, ý kiến về việc này vì chính chị cũng
nhiều lần tâng bốc, khoe khoang con trên mạng, chính chị cũng vừa có ý
định khoe điểm 10 của con. Tuy nhiên, từ lời từ chối của con gái, chị tự
hỏi: "Khi khoe điểm con lên mạng, bố mẹ đã hỏi ý kiến chúng, đã được
phép của chúng?".
"Qua câu chuyện này tôi rút bài học cho bản thân
là mình cần trao đổi, hỏi ý kiến con về những vấn đề trong cuộc sống,
nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến con. Đây là cách để trẻ thể
hiện quan điểm của mình và cũng là cách bố mẹ thể hiện sự tôn trọng
dành cho con", chị Nguyễn Thị Hòa trải lòng.
Mùa khoe điểm con đến
hẹn lại lên vào cuối năm học. Mùa khoe điểm không chỉ là hình ảnh những
bảng điểm long lanh của trẻ, những lời úp mở vừa khiêm tốn vừa khoe của
bố mẹ trên mạng mà còn kéo theo hàng loạt tranh cãi trái chiều.
Nhiều
bố mẹ khoe điểm con với lý lẽ ai cũng có quyền tự hào về con, khoe con
là niềm vui tự nhiên hay thẳng thừng hơn "con tôi giỏi, tôi khoe".
Trường phái ngược lại nào chịu thua, cho rằng bố mẹ khoe điểm con ham
thành tích, là hợm hĩnh, lố bịch…
Chưa kể, ở góc độ giáo dục, tâm
lý, đã không ít lời cảnh báo bố mẹ khoe điểm con có thể kéo theo những
áp lực, căng thẳng trong học tập đối với đứa trẻ. Điểm số một khi trở
thành niềm vui sướng của bố mẹ thì cũng có thể biến thành nỗi bất an, bi
kịch, khủng hoảng với trẻ.
Gác lại những tranh cãi, những hệ
lụy, ít ai để ý trong niềm vui khoe điểm con khắp cõi mạng, liệu bố mẹ
từng hỏi ý kiến con, xin phép con, đã được sự đồng ý của con về việc
công khai điểm số của chúng?
Trẻ có thể gật đầu nhưng biết đâu, không ít trẻ có suy nghĩ như bé Vy con chị Hòa: "Cho con sự riêng tư".
Hay như rất nhiều vấn đề khác, ý kiến, tiếng nói của trẻ lại thường bị người lớn ngó lơ, gạt bỏ sang một bên?
Theo
Luật Trẻ em 2016, nghiêm cấm hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời
sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ mà không được sự đồng ý của trẻ em
từ đủ 7 tuổi trở lên. Thông tin cá nhân của trẻ bao gồm các clip, hình
ảnh, kết quả học tập… của trẻ.
Khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ có thể tự do
tìm thú vui của mình trong việc khoe điểm con nhưng khi đứa trẻ 7 tuổi,
chúng có quan điểm, suy nghĩ, góc nhìn riêng và quyền được ý kiến, được
lên tiếng.
Nói về việc bảo mật thông tin cá nhân, thông tin riêng tư của trẻ, một nhà giáo dục ở TPHCM cho rằng: "Quá nan giải khi mà chính bố mẹ lại thường là người tiết lộ mọi hình ảnh, điểm số của con khắp mạng xã hội".